Người sưu tập Các đồ vật của quan lang xứ Mường Không phải con cháu dòng tộc nhà quan lang xứ Mường, nhưng Bùi Thanh Bình vẫn được gọi như vậy. Sở dĩ anh có cái tên đó là vì anh là người có bộ sưu tập đồ sộ, độc nhất vô nhị về quan lang xứ Mường xa xưa… Khu vực quảng cáo - Liên hệ 0922 1212 89 Anh Bùi Thanh Bình, người có bộ sưu tập đồ sộ về quan lang xứ Mường Kể cũng lạ, người ta đi “tầm” đồ lạ, đồ hiếm của quan lang xứ Mường để kiếm lợi nhuận. Hiếm ai như chủ khách sạn Sông Đà, Hoà Bình cất công sức đi lùng sục những thứ mà anh cho là một phần của văn hoá Mường, về lau li sạch sẽ trưng bày trong tủ kính, để ngắm. Anh Bình làm như vậy là vì anh quý cái giá trị lịch sử của những đồ ấy. Vốn là người làm công tác du lịch, đi nhiều anh càng thấy những thứ ấy là vô giá nếu không tìm cách lưu giữ thì mai đây chúng sẽ bị mất một cách đáng tiếc. Vốn là dân được học về nghệ thuật nên anh mê cái tinh tế trong cái thủ công của đồ dùng thời của tầng lớp thống trị, quan lang xứ Mường. Anh không nghĩ và chưa bao giờ nghĩ những cái mình mua về được giá sẽ bán kiếm lời. Làm như vậy là có lỗi với giá trị văn hoá lịch sử. Đối với anh, những “món đồ” hôm nay mà anh thu thập về trưng bày trong nhà mình đều là những giá trị văn hoá ghi dấu mốc của một thời mà không bao giờ lặp lại. Những kỷ vật quý giá về văn hoá lịch sử một thời của quan lang xứ MườngVì lẽ đó, anh đã đi và đã tìm kiếm. Anh có lợi thế là người con của xứ Mường, ngoài ngôn ngữ phổ thông, anh còn nói được tiếng của Mế. Chính vì vậy, khi đến với bản xa, những thứ mà người dưới xuôi bỏ ra tiền triệu, nhiều triệu đồng cũng không mua được nhưng anh Bình lại được tặng hoặc mua với giá rẻ. Nay rảnh việc anh đi Mường Động, mai nhàn đến Mường Bi... sưu tầm đồ lạ. Có người ở bản xa của Mường Vang (cách trung tâm thành phố Hoà Bình 80km), đã bán cho anh một chiếc tẩu hút thuốc lào khoét bằng xương thú rất tinh xảo, hai đầu bịt bạc trắng, khắc hoa văn tinh tế. Mỗi khi ra thành phố Hoà Bình, người chủ nhân ấy lại ghé thăm nhà trưng bày của anh Bình để ngắm nghía lại đồ đã bán. Khi thấy anh Bình để trong tủ kính, bảo quản cẩn thận từng vật dụng, vị khách kia đã không lấy làm tiếc nữa và nói với anh Bình: “Nếu tôi không để lại cho anh, nay mai chiếc tẩu ấy sẽ mất hẳn mà không bao giờ con cháu tôi được biết đến nữa”. Nâng nưu từng kỷ vật Càng sưu tầm, anh Bình càng thấy cuộc sống xưa kia của người Mường rất phong phú và tinh tế. Sự tinh tế thể hiện trên đường nét của từng vật dụng sinh hoạt gia đình. Một cái rậu đựng trầu cau được đan bằng nứa cật tỷ mỉ. Với hoa văn cầu kỳ đươc ken bằng chính những màu trắng của thịt cây và màu xanh của cật nứa. Ngắm nhìn chiếc tẩu hút thuốc bằng nanh hổ mài bóng bịt bạc trắng hoa xoè, hay con dao nhỏ bằng sắt han gỉ chuôi bằng đồng đúc hình đầu rồng khiến người ta phải trầm trồ. Có thể nói, cuộc sống của một thời đã xa được tái hiện đầy đủ qua gian trưng bày của anh Bình. Và chắc chắn trên thế giới không nhiều bộ lạc có những đồ trang sức chế tác một cách ngẫu hứng như của quan lang xứ Mường ở cửa ngõ Tây Bắc. Một cái ống nhổ cũng được làm bằng bạc trắng chạm khắc hoa văn rồng phượng, hoa lá cầu kỳ, hay một cái gáo trám (tiếp) rượu cần cũng được mài khoét bằng sừng bò tót một cách công phu… Những đồ quí giá ấy là giá trị văn hoá lịch sử. Nó sẽ mất dần đi theo quy luật thời gian nếu như người ta chưa thấy cái đẹp của nó, giá trị văn hoá của nó. Nhiều đoàn nghiên cứu về văn hoá Mường đã đến thăm khu lưu giữ hiện vật của anh Bình và đánh giá cao về những đồ vật hiện có. Giới chuyên môn về bảo tàng giật mình khi chứng kiến một cá nhân có bộ sưu tập độc đáo và đồ sộ như vậy. Đây là khu trưng bày những hiện vật hiếm có đối với ngành bảo tàng. Nhiều đồ rất độc đáo, được chế tác đơn chiếc bằng thủ công nhưng rất tinh tế nên nó trở lên vô giá. Để có khoảng 6.000 hiện vật trưng bày trong tủ kính “khu văn hoá Mường” anh Bình phải tiêu tốn khá nhiều tiền bạc và công sức. Bốn ngôi nhà sàn nằm ở ngoại ô thành phố Hoà Bình là nơi trang trọng để anh trưng bày những gì anh sưu tầm được. Anh không đánh giá về số lượng đồ vật, mà quan trọng là có bao nhiêu hiện vật có giá trị văn hoá cần được lưu giữ. Chính vì vậy, cho nên một cái vòng tay bện bằng cây mây rừng hay một cái nanh hổ được bịt bạc công phu, tinh xảo cũng có giá trị như nhau khi đã về gian trưng bày của anh.