NHỮNG CHUYỆN KHÔNG NGỜ TỚI Khu rừng vẫn chìm ngập trong không khí ban mai. Lũ khỉ vượn sau cơn ngái ngủ giờ đã náo nức nô đùa, chuyền từ cành nọ sang cành kia. Sóc đuôi cờ, đuôi đỏ ra khỏi tổ. Công đàn đã sà xuống các bãi cỏ. Những chàng công trống đã cất những tiếng kêu cảnh giác: "T... ồ! T... ồ! T... ồ!". Chúng đánh hơi thấy hơi người. Bỗng có một tiếng kêu kéo dài: "Cho... éc...!" tiếng con hoẵng. Ông Giáp reo lên: - Con hoẵng! Chắc con Báo Vàng đã vồ được con hoẵng! Thả chó ra anh em ơi! Theo tôi! Khu vực quảng cáo - Liên hệ 0922 1212 89 Chó đàn được thả ra. Chú Bào và chú Tín xách mác chạy theo ông Giáp. Lên đến đầu đỉnh dốc họ nghe thấy tiếng người hò hét và tiếng chó sủa từ mái rừng phía làng Mít vọng tới. Bỗng tiếng con Báo Vàng, con chó đầu đàn săn hay nổi tiếng của ông Giáp, đang sủa vang lên mỗi lúc một gần về phía triền dốc. Còn tiếng chó đàn thì đang tụt lại sau xa. Cánh thợ săn vừa hò hét, vừa nổi cồng chạy tới eo núi mà họ đoán chừng con hoẵng sẽ vượt qua để sang làng Mít. Con hoẵng đụng đầu cánh thợ săn. Ông Giáp buông phóng một mác, nhưng hụt. Ngọn mác cắm vào thân cây ràng ràng, cán run lên bần bật. Con hoẵng lao xuống dốc, bỏ xa đàn chó, xa cả con Báo Vàng. Chốc sau đã nghe tiếng chó sủa dọc theo con suối Nâu. Tốp thợ săn vẫn chạy đi chạy lại dọc triền núi. Một lúc rất lâu vẫn thấy tiếng chó rà quanh vùng suối Nâu. Con Báo Vàng vừa sủa vừa tru. Thế này là con Báo Vàng rối hơi rồi! Có thể con hoẵng lại chơi lối chập hơi đây. Con Báo Vàng mũi rà sát đất như đếm từng lốt chân con hoẵng, chạy lăm xăm về phía suối. Nó chạy đi chạy lại vài lần trên một đoạn đường dẫn xuống suối. Nó dừng lại bên bờ suối, ngẩng đầu lên, mũi phập phồng ngửi hít không khí, rồi hít hít lên các lá cây xung quanh. Nó quay lại, tìm luồng hơi trên suối. Ban đầu nó ngửi hít nước suối từ trên đổ xuống. Không có mùi hoẵng. Nó lại rà mũi hít lên các mỏm đá, các cành lá vươn ra suối. Vẫn không có mùi hoẵng. Con Báo Vàng trở lại chỗ cũ trong lúc đàn chó săn chạy quanh mái rừng sủa inh ỏi. Nó ngửi các mỏm đá và cành cây phía dưới suối. Bỗng nó cất tiếng sủa nhịp ba rất vang: "Âu! Âu! Âu!", rồi nhảy phóc lên trên các mỏm đá, chạy xuôi suối mỗi lúc một nhanh. Ông Giáp reo lên: - Giỏi quá! Con Báo Vàng giỏi quá! Nó lại tìm thấy con mồi rồi! Lũ chó đàn nghe thấy tiếng con Báo Vàng, cũng lao theo ra suối, chạy đuổi theo sau. Con Báo Vàng vẫn chạy xuôi theo suối, sau nó là chó đàn. Nó bơi về phía bờ suối dốc đứng, chỗ dòng suối gặp gò đất phải đổi dòng, bẻ ngoặt sang trái khiến nước lũ đâm thẳng vào gò đất, khoét thành một cái hang rộng, để lại trước cửa hang một bãi đất bồi, lau lách và đót mọc kín. Chốc chốc con Báo Vàng lại táp nước, cất ba tiếng sủa. Khi con Báo Vàng tì mõm vào bờ đất, chưa kịp phóng lên thì con hoẵng từ sau hốc đất lao ra khỏi hang, leo ngược lên núi. Con Báo Vàng nhảy vọt lên rượt theo. Khi chó đàn lên khỏi suối thì con Báo Vàng đã sủa réo rắt trên triền rừng. Tốp thợ săn tắt đường chạy lên đỉnh dốc, cố đón không cho con hoẵng chạy vắt sang phía núi bên kia. Nhưng không kịp nữa rồi, con Báo Vàng đang sủa đều đặn ba tiếng một đổ xuống dốc núi. Cùng lúc, ngược lại với tiếng con Báo Vàng đang xa dần thì tiếng chó đàn của bạn săn bên làng Mít mỗi lúc nghe một gần. Ông Giáp chạy tắt tới, leo lên mô đất cao nhất trên đỉnh núi, đứng nhìn xuống các ngọn đồi mọc đầy cỏ tranh nối nhau như bát úp chạy xuống tận chân làng Mít. Còn chú Tín và chú Bào vẫn theo bốn con chó đàn sau xa, đang leo lên phía eo núi, cùng lúc một con hoẵng khác bị đàn chó làng Mít săn, chờm chân lên lối con hoẵng tốp ông Giáp vừa săn chạy qua. Nghe tiếng người, nó vội quặt lại, đổ xuống làng Mít. Đàn chó săn của ông Giáp vừa tới nơi, gần như đụng đầu với con hoẵng ấy, liền bám theo rất sát, còn đàn chó làng Mít vẫn bám theo nhưng ở mãi phía sau. Chú Bào và chú Tín cứ theo tiếng bốn con chó đàn sủa mà chạy rượt theo về dẫy rừng đầu làng Mít. Trong lúc đó con Báo Vàng đã đuổi con hoẵng xuống cánh đồng trồng khoai cuối làng này. Từ trên cao nhìn thấy dưới xa kia, giữa cánh đồng làng Mít con hoẵng đang nhảy choi choi trên các luống khoai, con Báo Vàng chỉ cách nó chừng tầm đòn gánh là cùng. Các bà, các chị đang làm đồng kẻ cuốc, người cào lăm lăm, hăm hở lao đến, hét hò inh ỏi. Nhưng đáng ra cần phải đón đầu con hoẵng, buộc nó chạy ra đồng thì họ lại đuổi nó trở lại vào rừng. Từ trên dốc cao, ông Giáp gọi vọng xuống: - Bà con ơi, cứ để cho nó ra đồng, ra sông! Nhưng các bà, các chị làm cỏ khoai thì hiểu gì chuyện săn bắt. Bọn họ đua nhau kẻ thì hò hét, người thì la làng như cháy nhà. Khi ông Giáp xuống đến nơi thì con hoẵng đã mất hút vào truông rậm. Còn con Báo Vàng thì bỗng nhiên không hiểu vì cớ gì, đang ngồi xổm trên hai chân sau, nhìn về xóm vừa sủa, vừa tru từng chặp dài. Chợt có người xách cán cuốc chạy tới con Báo Vàng, vừa chạy, người này vừa hô to: - Bà con ơi, tránh xa ra! Chó dại! Chó dại! Con Báo Vàng không ngồi mà sủa nữa, nó vùng dậy lao ra ruộng khoai theo lối con hoẵng chạy lúc nãy, phóng đi như một mũi tên. Chốc sau đã nghe tiếng nó sủa gióng giả ba tiếng một trong truông rậm. Ông Giáp phân bua với bà con làng Mít: - Không phải chó dại đâu. Con chó nhà tôi đấy. Nó vừa săn con hoẵng xuống đây. Nó là con vàng Bớt Đen của ông Kỳ Cẩm hồi xưa ấy mà. Người vác cuốc định đánh nó lúc nãy như chợt hiểu ra. Anh ta ồ lên một tiếng rồi nói: - Con chó mà bác đổi của ông Kỳ Cẩm một con bê đấy à? Sao bây giờ trông nó lạ thế hả bác? Nó khôn lắm đấy! Hay nó nhớ chủ? Ông Kỳ Cẩm đang ốm nặng mà. (còn tiếp) Nguyễn Quỳnh
Loài chó vốn nhớ đường, nhớ ngõ rất dai. Con Báo Vàng cũng thế, tuy đã xa làng Mít, xa nhà ông Kỳ Cẩm ngót nghét một năm, nhưng những đường đi, lối lại trong làng, cả trong rừng thuộc địa phận làng Mít nó vẫn còn nhớ như in. Hôm nay khi đuổi con hoẵng qua làng Mít, bỗng một ngọn gió đông nam thổi qua đưa đến mũi nó những thứ mùi quen thuộc từ ngôi nhà ông chủ cũ: mùi khói bếp, mùi chuồng lợn, mùi thuốc bắc mà ông Kỳ Cẩm thường uống mỗi lần bị ốm. Và cả mùi ông già, mùi mồ hôi dầu rất nặng như lâu ngày không tắm giặt, hơi ẩm ướt, có pha lẫn mùi ngải cứu, hành hoa, hương nhu... Đúng là mùi người ốm. Nó nhớ rất rõ hễ bao giờ ông Kỳ Cẩm nằm đắp chăn, bất tỉnh nhân sự thì người ông toát ra mùi này đây. Thế là trong phút chốc nó bỗng thấy vừa nhớ nhung, quyến luyến chủ cũ vừa sờ sợ. Nó lại đang đuổi theo con hoẵng, thành thử nó đành ngồi xuống gửi về nhà chủ cũ, gửi về cho mẹ và đàn anh em nó những tiếng tru kéo dài. Ông Giáp chạy theo con Báo Vàng vào tận trong truông rậm rồi cất tiếng: - Báo Vàng! Huầy..... huầy... huầy...! Con Báo Vàng dừng phắt trong khoảnh khắc, quay nhìn ông chủ. Rồi như vui mừng và tin tưởng, nó nhảy lên, sủa réo rắt, rồi lại lao nhanh về phía trước. Ông Giáp tắt đường chạy ra lối xóm để vượt lên đầu dốc truông rậm đón đầu con hoẵng, buộc nó chạy về phía sông. Chạy được một đoạn thì ông gặp cô con gái của ông Kỳ Cẩm, tay xách mấy cái gói bằng lá chuối khô, đang hớt hải đi ngược trở lại phía ông. Thấy ông Giáp, cô gái dừng lại, cô vừa khóc, vừa kể lể: - Thầy cháu ốm nặng lắm, sợ khó qua khỏi. May mà gặp chú, chắc số thầy cháu chưa... Nhờ chú quá bộ vào xem mạch cho thầy cháu... Ông Giáp bỏ dở cuộc săn, theo cô gái về nhà ông Kỳ Cẩm. Thấy ông Giáp, bà Kỳ Cẩm mừng mừng tủi tủi, nói trong nước mắt: - Ông nhà tôi cứ nhắc bác mãi. Thế là trời xui đất khiến may ra được gặp thầy gặp thuốc. - Bà dẫn ông Giáp đến bên giường người bệnh, cầm tay chồng đặt lên tay ông Giáp. - Ông có nhận ra ai đây không? Ông Kỳ Cẩm vẫn còn tỉnh táo, chỉ có tiếng nói hơi đứt quãng: - Thế là tôi... được... gặp... bác... Tôi biết thế nào... bác... cũng... - Để tôi bắt mạch cho bác! - Ông Giáp nói - Cố mà ăn uống, thuốc men vào. "Đói rau, đau thuốc" mà, đừng lo... Ông Kỳ Cẩm vẫn thều thào trò chuyện: - Bác... bác... gái cháu... Dũng khỏe... không? - Cám ơn bác lắm lắm! Mẹ con bà nhà tôi khỏe. - Con Vàng Bớt... Đen... lúc nãy như tiếng nó... Nó sủa... - Nó đang săn hoẵng ngoài truông. - Tôi... tôi... chắc... không... qua... khỏi. - Bậy nào! Cố mà thuốc men, ăn uống vào! Ông Giáp bắt mạch cho ông Kỳ Cẩm xong, tay trái ông bóp lấy trán, còn tay phải thì nắm tay người ốm có vẻ đắn đo cân nhắc một điều gì đó. Rồi đến bên bàn mở gói thuốc bắc gói bằng lá chuối khô mà cô gái vừa mang về ra xem. Ông quay sang hỏi bà Kỳ Cẩm: - Nhà còn nhung hươu không bác gái? - Không còn! - Bà già trả lời. - Còn một ít bán cho ông đồng bồ dạo tháng năm. Tưởng mùa săn này sẽ kiếm cái mới, ai ngờ... - Bảo cháu ra nhà tôi mà lấy một ít! - Ông Giáp nhìn bà một lúc rồi nói tiếp. - Bác đừng hoảng hốt làm gì, chỗ bà con, người nhà tôi xin nói thật, bệnh tình của bác trai nguy kịch lắm. Đừng thuốc thang ở những thầy lang băm, cũng đừng cúng bái, đồng bóng mà tiền mất tật mang. Bà già và cô con gái sụt sùi khóc. Bịn rịn với người ốm, mãi tới lúc một thợ săn của làng Mít đến, ông Giáp mới sực nhớ tới chuyện săn hoẵng. Người thợ săn này nói: - Anh em chưa biết tiến thoái cách nào thì có người mách rằng bác ở đây. Thế này ạ. Bốn con chó bên bạn săn chúng em, với bốn con chó bên bạn săn của bác cùng săn một con hoẵng. Con hoẵng đã đổ rồi, nhưng cả hai bạn săn còn lúng túng, chưa biết phân xử thế nào. Muốn nhờ đến bác ạ!... - Chú chạy về trước đi, tôi ra ngay đây! - Ông Giáp dặn dò bà Kỳ Cẩm cách sắc thuốc, rồi đến bên giường bệnh từ biệt ông Kỳ Cẩm. - Bác nằm nghỉ nhé. Tôi đi ra ngoài bờ sông với cánh thợ săn một lát. Ông Giáp vội vã đi về phía bến sông. Từ xa thấy cánh thợ săn đang hoa tay múa chân có vẻ tranh cãi to tiếng. Ông gọi to: - Chú Bào, chú Tín ơi! Không phải con mồi của ta đâu! Con mồi của ta con Báo Vàng đang theo. Con này là của anh em bên làng Mít. Chú Bào và chú Tín chưng hửng một lúc, rồi xoa tay làm lành. Chú Bào nói: - Bé cái nhầm! Anh em thể tất cho nhé! Cánh thợ săn tất thảy đều cười khề khề. Họ lôi đãy (cái túi đựng trầu thuốc của đàn ông hồi xưa) lấy trầu thuốc ra mời nhau. Bác chủ bạn săn làng Mít nắm lấy tay ông Giáp, nói: - Giá anh nhận lời làm chủ bạn săn của chúng tôi thì hôm nay vui biết bao nhiêu. Thế nào cũng mời anh, mời anh em về chỗ chúng tôi đã. Ông Giáp cám ơn, cố từ chối mãi vẫn chưa rút ra được. May sao lúc ấy con Báo Vàng từ đâu chạy xộc đến như một con báo. Đàn chó săn của bạn làng Mít dựng ngược lông gáy lên, xúm vào nhau, chìa những cái mõm đầy răng nanh ra gầm gừ. Nhưng con Báo Vàng không để ý, nó chạy tới ông chủ, cắn giật giật ống quần ông, lôi về hướng nó vừa chạy tới. Nó nhả ống quần ông chủ ra, chạy đi một đoạn rồi quay lại nhìn ông, hình như để xem ông chủ có đi theo không. Cánh thợ săn ngạc nhiên nhìn theo con Báo Vàng. Ông Giáp nói với bác chủ bạn săn làng Mít: - Anh em cho hôm khác nhé! Để chúng tôi đi theo con Báo Vàng xem có chuyện gì. Có thể nó đã cắn chết con hoẵng. Ông Giáp và hai bạn săn của ông chào cánh thợ săn làng Mít, rồi chạy theo con Báo Vàng. Con Báo Vàng chạy men theo bờ sông, xuôi xuống mãi vạn Chài. Ở đấy có bốn chiếc thuyền mui đang đậu. Thấy tốp thợ săn từ xa. Bốn chủ thuyền ra khỏi mui thuyền, đon đả hỏi: - Các bác đi săn à? Có thấy con mồi nào chạy qua đây đâu? Con Báo Vàng chạy tới một chiếc thuyền, nó ngồi trên bờ, nhìn xuống sông sủa như sủa kẻ trộm ban đêm. Ông Giáp nhìn chủ thuyền, nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị: - Các bác đã đập chết con hoẵng rồi còn gì? Nào, đưa nó ra đây rồi anh em cùng vui, đi đâu mà thiệt. Ông chủ thuyền vẫn chối, nhưng vẻ cười cợt cho dễ nói: - Giấu các bác làm gì. Nào, xin mời các bác xuống thuyền uống nước đã. Nếu như con hoẵng đã chết thì đâu có đấy, vội gì. Ông chủ thuyền lao đòn noi[1] vào bờ, mời khách lên thuyền. Ông Giáp đang định xuống thuyền thì con Báo Vàng lao ra sông. Nó bơi quanh cái sào cắm neo thuyền vừa đớp nước vừa sủa. Bấy giờ ông chủ thuyền mới cười nhạt, đi tới bên cây sào cắm thuyền. Ông nói: - Đâu có đấy mà. Thử con chó nhà bác một chút. Nó khôn thật! Vừa nói ông vừa nhổ cái sào cắm neo thuyền lên. Khi gốc sào lộ lên mặt nước thì con hoẵng cũng nổi lên theo. Thì ra cánh chủ thuyền đã đập chết con hoẵng, họ buộc vào gốc sào, cắm neo xuống nước. Ông Giáp trách: - Chỗ anh em, bà con cả, sao lại nỡ làm thế này. Khéo không các bác lại đập chết cả con chó quý của tôi chứ lại. Ông chủ thuyền bên cạnh, nói xen vào, vẻ ăn năn: - Chúng tôi biết nó là con chó của bác, không ai nỡ giết nó đâu. Quả là nó khôn thật. Hễ thấy ai đó cầm que hoặc cầm lấy sào thuyền là nó bỏ chạy rất xa. Nhưng hễ thấy tay không, nó lại xán lại, sủa liên hồi. Thực lòng anh em tôi không ai dám nuốt trôi con hoẵng của bác đâu. Nếu có máu tham thì chúng tôi đã chèo thuyền đi rồi!
Ông Giáp cười: - Vậy thì cám ơn anh em. Được thế là ta hiểu nhau. Có điều nếu như các bác có chèo thuyền về biển, con chó này cũng bơi theo cơ đấy. Thôi thế này nhé. Chúng tôi xin con hoẵng và xin mời anh em cùng về nhà tôi ta uống rượu cho vui. Cánh chủ thuyền cám ơn nhưng lấy cớ đường xa, lại đã gần tối nên xin cáo. Ông Giáp chào cánh chủ thuyền, rồi gióng một hồi ba tiếng cồng. Chú Bào và chú Tín khiêng con hoẵng lên vai đi trước, ông Giáp theo sau, chốc chốc lại gióng ba tiếng cồng. Con Báo Vàng vẫn đi dưới con mồi của nó. Đoàn đi săn vượt qua một con núi để trở về làng đúng vào lúc mặt trời gác núi. Có tiếng một con sói lửa đực sủa gọi đàn trên đỉnh Hòn Sót. Lên đến đỉnh eo núi, con Báo Vàng quay lại, nhìn về làng Mít, cánh mũi phập phồng. Nó ngồi xổm xuống, sủa lên mấy tiếng âm điệu kéo dài và rất buồn. * * * Lửa thui hoẵng nổi lên. Cánh thợ săn xúm vào lo làm thịt hoẵng. Đàn chó như thường lệ, con nào con nấy đến bên ổ rơm, đi quanh nửa vòng tròn rồi nằm vào ổ. Con Báo Vàng cũng đến bên ổ, nó nằm gác mõm lên vành ổ, cánh mũi luôn luôn phập phồng. Rồi nó đứng lên, ra khỏi ổ, đi quanh sân vẻ xốn xang. Nó trở lại vào ổ, nằm gác mõm lên thành ổ, mắt nhìn xa vời. Thịt hoẵng đã làm xong. Cuộc vui của cánh thợ săn trước lúc chia tay nhau ra về bắt đầu. Vẫn như thường lệ, đàn chó săn được chủ ưu ái, cho ăn uống no nê. Riêng con Báo Vàng hôm nay được ông Giáp biệt đãi hơn, ngoài phần ăn thường lệ, nó còn được nhận thêm một đĩa thịt tái. Cuộc vui bắt đầu được một lúc thì bác chủ bạn săn làng Mít đến, xách đến ba phần thịt. Phần thịt không nhiều nhưng tấm lòng nghĩa tình thì lớn. Đích thân bác chủ bạn săn đi tắt đường rừng mà đến, không phải là chuyện lệ làng bình thường. Ông Giáp mời khách cùng dự tiệc vui. Ông kể lại những chuyện về con Báo Vàng: chuyện nó ngồi xổm nhìn về nhà chủ cũ mà sủa, chuyện nó giữ con hoẵng mà cánh chủ thuyền đã giết chết ở Vạn Chài, cả chuyện nó bất chợt ngồi xổm trên đỉnh eo núi nhìn về làng Mít mà sủa. Chuyện đang vui thì nghe tiếng con Báo Vàng sủa váng lên, giọng vui vẻ ngoài sân. Bà Giáp vội vã ra đón khách. Cô con gái ông Kỳ Cẩm đã vào đến hiên nhà. Cô cất tiếng trước giọng nghèn nghẹn: - Cháu chào các bác, các chú. Ông Giáp buông đũa, bảo bè bạn: - Các vị cứ tiếp tục cho. Tôi xin có việc một lát! - Ông đứng lên, đến bên các hộc thuốc, gọi cô gái đến - Thế nào, bệnh tình thầy cháu thế nào? - Uống thuốc thang chú cắt được một nước, thầy cháu có vẻ tỉnh táo hơn. Đòi ăn và thầy cháu ăn được vài thìa cháo. Ông cắt một vài lát nhung mỏng, gói vào giấy bản đưa cho cô gái, dặn: - Nhung không cốt để chữa bệnh mà cốt giữ sức. Nếu thầy cháu ăn được cháo rồi thì thái mỏng vào cháo. - Ông đưa cho cô gái một cái gói nhỏ khác - Còn đây là một ít sâm. Nếu thầy cháu quá mệt thì cắt một lát bằng nửa miếng cau, hãm độ nửa chén uống rượu nước, cho thầy cháu uống. Cẩn thận, đừng cuống quýt mà đổ cả nước sôi lẫn bã sâm vào mồm ông già đấy. Bà Giáp nài nỉ cô gái ở lại, nhưng nom cô xốn xang như kiến bò trên chảo nóng. Cô nói rấm rứt: - Thầy cháu mệt lắm. Cho cháu về để kịp thuốc thang cho thầy cháu. - Này, cháu! - Bác chủ bạn săn làng Mít bỗng gọi. - Chờ bác, bác đưa về. Không được đi đường rừng một mình. Bác chủ bạn săn làng Mít đứng dậy, sửa soạn ra về. Ông Giáp nhìn khắp lượt bốn bạn săn của mình. Chú Tín như hiểu ý, nói: - Để tôi cùng đi, nhân đưa phần cho mấy bác chủ thuyền. Chú Tín xách lấy cái nạnh lưng con hoẵng. Còn ông Giáp thì trao cho bác chủ bạn săn một chai rượu cao hổ cốt, bác nói: - Anh em mình bây giờ đôi khi đã thấy đầu gối long long. Xin biếu anh, khi nào thấy xương cốt nhức nhức thì uống. Vợ chồng ông Giáp tiễn ba người ra tận cổng. Con Báo Vàng chạy theo chân cô gái tới tận cuối cánh đồng mầu, ông Giáp gọi mãi nó mới chịu quay lại. Cuộc vui lại tiếp tục, nhưng không khí hăng say, náo nức của một ngày săn thắng lợi buổi đầu bữa tiệc, giờ được thay vào sự đằm thắm, sâu lắng, ân tình. Nhân chuyện con Báo Vàng đã cách biệt hàng năm ròng vẫn còn nhớ về chủ cũ, ông Giáp chợt nhớ đến, nghĩ đến chuyện đời, chuyện con người mà ông từng thấy. Ông trở lại với chuyện chém chết con hổ bạc mày cướp lại xác bạn - Ông Cầu - Và chuyện ông Trương Báu phản bạn. Bấy giờ ông Giáp cùng hai người bạn là ông Cầu và ông Báu chung nhau làm một cái rẫy. Rẫy lúa của họ tốt lắm. Khi lúa bắt đầu chín, họ làm ba cái chòi ở ba góc rẫy để canh lợn rừng. Chòi rất cao, hổ không thể nhảy tới, lại có cửa đóng mở mỗi lần chui lên chui xuống. Đêm đến họ giao hẹn nhau hễ chòi này cất tiếng đuổi thú hoặc đánh một hồi mõ thì hai cái chòi kia phải lên tiếng đáp lại để báo cho nhau biết. Nếu chòi nào im lặng có nghĩa là chủ chòi đã gặp nạn, hai chòi kia sẽ đến ứng cứu. Một hôm ba bạn rẫy vẫn đi gác lúa như thường lệ. Đêm gần về khuya, ông Giáp đã ngủ say. Bỗng con chó cắn lấy tay áo ông giật mạnh. Ông choàng dậy nhìn xuống chòi, vì chòi đang rung lên như bị bão. Dưới chòi con hổ bạc mày đang từng nấc, từng nấc leo lên cái cột ngay chỗ cửa lên xuống. Thông thường thì hổ chỉ biết trèo cây lúc còn bé. Riêng con hổ này thì leo trèo như mèo. Một tay Ông Giáp giật lấy mác, tay kia xúc một gàu lửa than trong cái bếp bên cạnh, nâng cửa chòi lên, nhằm cái mặt có hai con mắt ánh vàng như đít chai, trút xuống. Con thú kịp hất mặt, gầm lên, nhảy phịch xuống đất rồi biến mất. Ông vớ lấy dùi mõ gõ một hồi. Hai bạn chòi gióng mõ đáp lại. Ông bước ra ngoài sân, nói vọng sang hai chòi bạn: - Anh em ơi! Xem chừng cửa giả cẩn thận đấy. Hổ vừa leo lên cột chòi của tôi. Đừng ai xuống đất đấy. Tôi đã đuổi nó đi rồi. Ba người chuyện trò với nhau một lúc nữa rồi trở vào chòi. Ông Giáp lại gieo mình xuống dát chòi, rồi ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy ông thấy con chó đang quay đầu về phía chòi ông Cầu sủa liên hồi. Ông xách mõ gióng một hồi. Có tiếng mõ ở chòi ông Báu đáp lại. Còn chòi ông Cầu thì im ắng. Ông lại gióng mõ lần nữa. Vẫn chỉ có chòi ông Báu đáp lại. Ông sinh nghi, ra khỏi chòi gọi vọng sang chòi ông Cầu: - Bớ anh Cầu! Anh Cầu có thức không đấy? - Vẫn im lặng không có tiếng đáp lại. Ông Giáp lại gọi sang ông Báu. - Bớ anh Báu, đến chòi anh Cầu với tôi. Tôi nghi có chuyện chẳng lành. Con chó của tôi nó nhìn sang chòi anh ấy sủa gay gắt lắm. - Vâng! - Ông Báu đáp - Tôi xuống ngay đây. Ông Giáp giật cái mác bằng, lưỡi dài chừng hai gang tay, bằng thép mỏng, to bản, sắc như nước, cán dài như cán dao phát bờ; bế con chó đầu đàn xuống chòi. Ông vỗ vỗ lên đầu con chó ra hiệu bảo nó im lặng rồi đến bên gốc cây, nơi đã giao hẹn gặp từ trước, đứng chờ ông Báu. Chờ một lúc chẳng thấy ông Báu đâu cả. Bây giờ ông mới chợt hiểu "Hừ, cái thằng khốn nạn đã bỏ bạn". Đúng là ông Báu đã xuống chòi trước ông lặng lẽ lén về làng rồi. Đứng dưới gốc cây một lúc nữa, một nỗi căm giận kẻ phản bội trào lên trong ông. Giờ một mình có nên liều đến với con thú dữ đang say mồi trong đêm tối không? Ông lắc đầu, gạt phắt ý nghĩ hèn nhát ấy đi, xách mác bằng đi về phía chòi bạn. Cái chòi ông Cầu đang rung lên bần bật. Đêm đầu tháng, trăng đã lặn, trời tối nhờ nhờ, ông nghe thấy tiếng nước nhỏ tí tách trên lá chồi, lá lúa. Ông đưa bàn tay ra hứng rồi đưa lên mũi ngửi. Có mùi tanh. Máu của bạn ông đã đổ. Vừa thương bạn, vừa giận kẻ phản bội và căm thù con thú dữ, người ông nóng ran lên. Ông ẩn mình vào cụm chồi cây tốt bên cái cột chòi sát cửa, mác bằng giơ cao, chực sẵn. Con chó biết ý, cũng chui vào bụi chồi cạnh ông. Ông chắc mẩm thế nào con hổ cũng tụt xuống cột chòi này. Nhưng không. Nó lách cửa chòi, ném xác ông Cầu xuống trước, rồi từ trên chòi nhảy phốc xuống. Ông đang nghĩ rất căng để tìm cách khác. Còn con hổ thì đang ham mồi, không để ý đến xung quanh. Vừa nhảy xuống đất nó đã chồm lên xác người chết. Rất nhanh, ông Giáp giơ mác bằng quá đầu, giáng một nhát sấm sét xuống, tiện ngang sống lưng con hổ. Con hổ nằm vật xuống đất. Bỏ con hổ đã chết ở đấy, ông lau nước mắt, vác xác bạn về làng... Chuyện con chó mến chủ, chuyện con người phản bạn lúc hoạn nạn đến với ông. Nhen lên cùng một lúc bao nhiêu tình cảm trái ngược nhau: cảm phục, mến yêu, oán ghét, trách móc. Nhân có chén, ông nói với các bạn thợ săn: - Tôi có bài thơ, đọc anh em nghe nhé! - Rồi ông đọc: "Khuyển nhi mãi khứ cánh vô thân Do phụ y y cựu chủ nhân. Đa thiểu đắc tân vong khứ cựu. Nhân tình bất cập khuyển tình chân"
Ông giảng giải: - Ý tứ bài thơ là thế này: "Chó đã bán đi rồi, chẳng còn chút ràng buộc gì, vậy mà nó vẫn đinh ninh nhớ chủ cũ. Còn con người, bao nhiêu kẻ được mới nới cũ, tình con người không bằng tình con chó là chuyện có thật!". Thế đấy. Con người phải sống cho phải đạo để vượt lên trên con thú không phải dễ. Cánh thợ săn gật gù tâm đắc. Chú Bào đặt đũa xuống, cầm lấy chén rượu, nâng lên một lúc, còn ngẫm nghĩ điều gì mãi mà chưa nhấp. Rồi chậm rãi, chú nói: - Một lời chê trách, một lời khuyên răn, vừa ngọt ngào nồng ấm, vừa cay đắng thấm thía, hơn cả rượu nồng. Ông Giáp cười hiền lành: - Chú quá khen. - Rồi ông nói - Này, ta ngồi quá lâu rồi đấy. Thôi ta ngừng kẻo đàn bà, con trẻ mong. Tối ấy Ông Giáp và cậu con trai ngủ rất say. Thằng Dũng bật dậy khi nghe một tiếng chó tru dài ngoài sân. Cậu dỡ cửa bước ra ngoài. Giữa sân, con Báo Vàng đang ngồi trên hai trên chân sau, đầu cất cao, nhìn ra cổng mà tru từng chập. Thằng Dũng mắng con Báo Vàng: - Báo Vàng, vào ổ! Con Báo Vàng ngoan ngoãn vào ổ. Thế là không phải có thú dữ rồi. Thằng Dũng nghĩ thế. Có khi động trời. Đến hoẵng, chó sói, hổ, báo... động trời cũng phải kêu cơ mà. Dũng trở vào nhà ngủ lại. Còn Ông Giáp thì nhân có chén rượu say, ông ngủ li bì cho đến sáng. Sáng ra, ông mở cửa ra sân sớm. Thấy cái ổ con Báo Vàng trống không, ông hốt hoảng gọi con trai: - Con Báo Vàng đâu rồi hả con? - Con không rõ. - Thằng Dũng ngồi bật dậy đáp. - Hôm qua nghe tiếng nó tru, con mở cửa ra thì thấy nó đứng giữa sân. Con đã bắt nó trở lại vào ổ rồi cơ mà. Ông Giáp chạy ra vườn rồi ra cổng. Cánh cổng mở toang. Ông hú gọi mãi chẳng thấy con Báo Vàng đâu. Trở vào nhà, ông trách con: - Mày vô tâm quá. Sao hôm qua không gọi bố; lại quên cả cài cổng. Không khéo hổ bắt mất con chó rồi. - Không có hổ đâu bố ạ. - Thằng Dũng quả quyết - Chó đàn vẫn nằm nguyên trong ổ rơm cơ mà. Cả hai bố con Ông Giáp cùng chạy bổ đi tìm con Báo Vàng. Họ ra khỏi cổng, cúi gập xuống nhìn kỹ ở các luống ngô quanh vườn xem có lốt chân hổ không, không thấy có lốt hổ. Hay là nó ngửi thấy hơi hoẵng về gần làng, đã lẻn đi săn một mình. Ông Giáp nghĩ thế, rồi bảo con: - Thôi! Có lẽ nó đi săn rồi! Ta vào nhà. Quả là thỉnh thoảng con Báo Vàng cũng trốn nhà đi săn một mình thật. Còn nhớ hôm đầu tiên xảy ra chuyện con Báo Vàng trốn đi, ông Giáp cũng đã hốt hoảng tìm kiếm nó suốt buổi, cứ tưởng nó trốn về nhà chủ cũ. Mãi đến trưa có mấy người đi rừng về mách với ông rằng, họ nghe thấy tiếng chó săn hoẵng ở trên dãy Hòn Cấm, bấy giờ ông mới yên tâm. Và thật không ngờ, tối hôm ấy lúc cả nhà ông đang mong ngóng con Báo Vàng trở về thì bỗng ông Cò và ông Đòng xóm Vạn khiêng về một con hoẵng đi vào cổng nhà ông. Sau họ là bọn trẻ con cười reo ầm ỹ. Hai người đặt con hoẵng xuống sân cùng lúc con Báo Vàng chạy xộc vào, vẫy đuôi mừng rối rít, quẩn quanh bên chân ông chủ. Ông Giáp ngạc nhiên, chạy ra hỏi thay lời chào khách: - Hoẵng đâu thế hả các bạn? - Con chó của anh săn đấy. Chờ mãi chả thấy có người đến nhận. Con chó lại cứ bám lấy. Mãi sau bọn trẻ chăn trâu mách mới biết con chó nhà anh. - Thế mà chẳng thịt đi. Tôi có công cán gì mà khiêng con mồi vào đây? - Bậy nào. - Ông Cò nói - Con chó nhà anh săn lại không phải của anh là thế nào? Chả lẽ con hoẵng điên, chạy đến cho chúng tôi đập chết chắc? Chủ và khách cùng cười vui vẻ. Ông Giáp bảo: - Thôi, đã thế thì thế này, nhóm lửa lên, thui đi! Hai anh một nửa, tôi một nửa. Bên Vạn, ai có phần săn thì tùy hai anh. Lần khác nó theo bọn trẻ chăn trâu bò biền biệt suốt cả ngày. Bấy giờ vào thời kỳ sói lửa, còn gọi là chó rừng, ghép đôi. Hôm ấy một cặp sói lần vào rẫy vồ và cắn chết một con bê con sáu tháng tuổi. Trong khi lũ trẻ chăn trâu bò mải miết bận bịu với con bê xấu số thì con Báo Vàng lao theo cặp sói lửa. Cặp sói vùng chạy. Con sói lửa đực chạy trước, con sói cái đang chạy, chốc chốc lại quay nhìn con Báo Vàng. Cả ba con vật im lặng đuổi nhau vào rừng. Mãi một lúc rất lâu bọn trẻ mới nghe một tiếng sói rú lên trên Hòn Cấm. Bọn trẻ hốt hoảng bảo nhau quành trâu bò ra đồng trống. Nhưng chúng lại quên khấy chuyện con Báo Vàng đuổi theo đàn sói lửa. Chiều đến con Báo Vàng về nhà, lông lá bù xù, đầu vai xây xát, nó cắn lấy gấu quần ông Giáp lôi đi. Ông Giáp và cậu con trai xách mác đi theo nó vào tận Hòn Cấm. Đây là một khu rừng đầu nguồn nước, được khoanh vùng, cấm chặt phá nên cây cối rậm rạp, nhiều cây to. Con Báo Vàng dẫn bố con ông Giáp đến một bãi đất cạnh cây lim bộng. Họ kinh ngạc thấy một con sói lửa đực lực lưỡng đã bị nó cắn chết nằm dài trên bãi cỏ... Nhưng lần này, mãi vẫn không thấy con Báo Vàng trở về. Mất ba ngày liền tìm kiếm hết rừng ngang núi dọc vẫn không thấy tăm hơi con Báo Vàng. Thế là mùa săn này lại đành treo cồng, gác mác. Cho đến bao giờ mới lại tìm được một con chó đầu đàn hay? Cánh thợ săn buồn lắm. Sáng ấy đi chợ về, bà Giáp mua một thẻ hương, một chai rượu. Vừa đặt thúng xuống, bà đã trao các thứ cho chồng. Bà nói: - Mình vô tình quá. Mải tìm chó tìm mèo mà không biết ông Kỳ Cẩm đã qua đời. Đang ngồi co chân lên trên chõng, ông Giáp nhảy xuống đất, đỡ lấy thẻ hương, chai rượu, hốt hoảng hỏi: - Nhà nói gì thế? Ông Kỳ Cẩm mất rồi à? Bệnh ông già có nặng thật, nhưng bệnh già, không thể chết nhanh thế được. - Thì người làng Mít bảo thế. Ông cụ ấy mất đã ba hôm rồi. Hôm nay là ngày dựng nhà mồ cho ông cụ. Ông Giáp thở dài: - Tội nghiệp chưa! Tôi cũng tâm bất tại thật. - Thẻ hương, chai rượu đây. - Bà Giáp nói. - Đã không gặp, không đưa ông ấy ra đồng được, thì nhà vào viếng mộ ông ấy cho trọn tình, trọn nghĩa. Cơm nước xong, ông Giáp khăn áo lên đường. Mãi chiều tối ông mới về, và một chuyện thật không ngờ: lúc ông về nhà thì có cả con Báo Vàng về theo. Có điều con chó gầy dốc đi, như sau một cơn ốm. Bà Giáp vội đổ cơm ra âu cho nó ăn. Bốn con chó đàn xúm lại, vây lấy nó, vẫy đuôi mừng rối rít. Con Khoang, con chó cái tơ có bộ lông mềm mại thì đôi mắt ánh lên long lanh một niềm vui, đưa lưỡi âu yếm liếm lông cho nó. Nghe tin ông Giáp đã tìm thấy con Báo Vàng, bốn chú thợ săn chạy đến. Con Báo Vàng bỏ dở cơm, chạy ra đón mừng. Khi nó trở lại âu cơm, cánh thợ săn ngồi cả xuống chõng tre, vừa uống nước vừa trò chuyện. Ông Giáp giọng xúc động kể lại câu chuyện chính ông chứng kiến nhưng thật lạ lùng, khó mà hiểu nổi. Khi ông Giáp cùng bà Kỳ Cẩm ra thăm mộ ông già, thì thật sửng sốt, ông thấy con Báo Vàng nằm khoanh trong lòng nhà mồ, phía dưới chân người chết. Con Báo Vàng thấy ông Giáp, nó uể oải đứng lên, bốn chân run rẩy, đuôi vẫy lờ đờ, đôi mắt buồn rầu nhìn ông như hối lỗi. Thắp hương viếng ông Kỳ Cẩm xong, ông Giáp ôm lấy đầu con Báo Vàng ghì vào lòng, vuốt ve nó từ đầu đến lưng. Còn bà Kỳ Cẩm thì vừa khóc lóc vừa kể lể, Tối hôm ấy cô con gái mang sâm và nhung về nhà chưa kịp sắc thì ông Kỳ Cẩm đã qua đời. Mọi người tang gia bối rối, chạy ngược chạy xuôi khắp làng báo tang, lo liệu việc ma chay. Ở nhà quê bây giờ người ta rất kiêng cho chó mèo lảng vảng gần giường người chết đang nằm. Mấy con chó nhà bà Kỳ Cẩm đã cho buộc cẩn thận dưới nhà bếp. Người nhà thay nhau ngồi túc trực bên giường ông Kỳ Cẩm suốt đêm. Những người ngồi túc trực vào lúc về khuya vì mệt quá nên ngủ thiếp đi, lúc chợt tỉnh thì họ thấy một con chó lạ ngồi dưới gầm giường phía chân người chết, đang rên ư ử như bị rét, Những người túc trực hốt hoảng, hồn vía lên mây. Họ cho là điềm gở, là ma hiện hình. Họ gào thét inh ỏi. Chốc lát cả nhà gậy gộc, đuốc đèn xua đuổi con chó, biến tiếng khóc than thành tiếng la ó. Nhưng con chó không chịu chạy xa, hết vòng ra sân, xuống nhà bếp rồi nó lại vòng lên. Cuối cùng nó chui hẳn xuống dưới gầm giường ông Kỳ Cẩm. Đến bây giờ cô con gái mới nhận ra nó là con Vàng Bớt Đen. Cô kêu lên trong tiếng khóc: - Mẹ ơi, các chú, các bác ơi, đừng đánh nó! Con Vàng Bớt Đen đấy. Nó về thăm chủ nó đấy. - Cô gọi con Báo Vàng tới, ôm lấy đầu nó, cô khóc: - Bố ơi, con Vàng Bớt Đen về với bố đây. - Rồi cúi xuống con chó, cô nỉ non - Vàng ơi, mày về không kịp nữa rồi, thầy tao không còn nữa. Con Báo Vàng vẫn ủ rũ. Khi cô gái buông nó ra, nó lại tới bên chân giường, giém chỗ nằm xuống đấy. Bây giờ thì không chỉ riêng cô con gái mà ai nấy đều cảm động, không nỡ đuổi nó ra khỏi nhà nữa. Từ giờ phút ấy, con Báo Vàng nằm ở chân giường, buồn bã nhìn những người ra ra vào vào. Khi người ta đưa ông già ra đồng, nó ra theo. Rồi nó nằm bên mộ ông già. Đói quá thì nó về nhà một lúc. Cô chủ hoặc bà chủ cho nó ăn. Ăn xong nó lại ra mộ ông già nằm. Ăn uống thất thường nên nó gầy rạc đi như một con chó ốm.
Ông Giáp vuốt ve con Báo Vàng. Khi cáo biệt vong linh ông Kỳ Cẩm ra về, ông gọi con Báo Vàng về theo. Bà chủ nhà và cô con gái khóc lóc. Bà nói: - Hay là bác cho mẹ con tôi hoàn lại con bê, để con Vàng ở lại đây. Sợ đời ông nó đã đôi lần không phải với nó. Ông Giáp vốn tính rất cả nể. Không biết từ chối thế nào, đành nói: - Chuyện đổi chác chả phải tính đến. Nếu nó không chịu ở với nhà tôi, mà quay về nhà bác thì tôi cũng đành chịu. Thôi thế này: bây giờ hãy tạm để nó ở đây với mẹ con bác đã, sau hãy tính. Bà già ngậm ngùi nói: - Thế thì mẹ con tôi chả đành. Bà sai cô con gái đổ cơm và thức ăn ngon vào một cái chậu, thết con Báo Vàng một bữa. Bà lấy cái tròng cổ ra, định tròng vào cổ nó cho ông Giáp dắt. Nhưng ông Giáp xua tay ngăn lại: - Chả cần bác ạ. Bác cứ để mặc nó. Khi chào chủ nhà ra về, ông vuốt đầu con Báo Vàng như tạm biệt nó. Nhưng con chó bước đến ngửi lên quần áo bà chủ, cô chủ rồi lon ton chạy ra sân. Đợi ông Giáp ra khỏi cổng, nó quay lại nhìn mẹ con bà Kỳ Cẩm lần nữa rồi chạy theo ông. Mẹ con và Kỳ Cẩm nhìn theo nó, khóc thút thít. Nghe ông Giáp kể chuyện con chó, mấy chú thợ săn, cả bà vợ và cậu con trai của ông đều im lặng, xúc động. CON CHÓ CON XA RỪNG Một đàn sói lửa lại "quay vòng" trở về rừng này kiếm mồi. Đàn sói lửa đả đi đả về vùng rừng này mấy lần. Sói lửa về thì nai, hươu, hoẵng cũng lẩn đi cánh rừng khác thành thử các bạn săn nhiều hôm phải về không. Ông Giáp bực lắm, rủ các bạn phải tìm cách đuổi đàn sói lửa này ra khỏi vùng săn của họ. Hôm ấy bố con ông Giáp cùng các bạn săn khiêng lưới, dắt chó săn vào rừng. Họ đến ngay khu vực Hòn Cấm, nơi đàn sói lửa đang hoành hành. Ba vạng lưới[2], mỗi vạng dài có tới mười mét được nối lại với nhau, chắn ngang eo núi, nơi núi đất và núi đá gặp nhau mà muông thú thường qua lại mỗi lần chuyển vùng. Cái eo này như một rốn vó, bên trái thì mạch núi đá lởm chởm, bên phải thì ngọn núi đất bị sụt lở để lại một tường đất cao, thú khó lòng mà vượt qua được. Căng lưới xong chú Bào và chú Tín mỗi người đứng rình ở một đầu lưới, còn nhưng người khác thì tung chó đàn vào đàn sói. Họ vừa hò hét bám sát lũ sói vừa giục cồng inh ỏi. Lũ sói lửa lúc đầu không chịu chạy, chúng lao vào cắn trả chó nhà. Nhưng đàn chó săn có con đầu đàn can đảm, sức vóc dẻo dai, lại có người kèm bên nên về sau lũ sói lửa phải rút chạy. Chúng chỉ dừng lại xông vào đàn chó khi đã cách xa người. Mỗi lần như thế, con sói đầu đàn bất thình lình quay ngoắt lại đâm sầm vào con Báo Vàng như một mũi tên. Con Báo Vàng nhảy sang bên và quay ngang rất nhanh. Nó táp mạnh vào gáy con sói đầu đàn, xách ngược lên, lắc lắc mấy cái rồi ném sang một bên. Trong lúc con sói đầu đàn vừa kêu ăng ẳng vừa bỏ chạy, con Báo Vàng lại lao tới tiếp sức cho con Đốm đang bị hai con sói đực vây lấy. Nó dùng đầu tấn vào vai một con, làm con này bắn ra xa và, nhanh như nhát chém, nó táp lấy cổ con còn lại, vật nghiêng xuống. Chốc lát lại thấy nó xuất hiện giữa đàn sói. Tiếng người hò hét và tiếng cồng đến gần, đàn chó nhà trở nên dũng mãnh hơn, chúng liều chết lao vào đàn sói. Lũ sói kéo nhau chạy về phía eo núi đã chăng lưới chờ sẵn. Nhưng con sói lửa đầu đàn này rất khôn, nó đánh hơi thấy phía eo núi có hơi người, bèn sủa mấy tiếng báo cho đàn để ý, rồi đổi hướng chạy. Nó dẫn đàn bẻ ngoặt sang phải, tránh được một ngọn mác phóng đón của thằng Dũng, vượt dốc núi sang bên kia làng Mít. Chỉ còn hai con sói đàn chậm chân bị dồn vào lưới. Biên lưới sập xuống nhốt hai con sói lửa vào trong. Hai con chó rừng hốt hoảng, lao đi lao lại như một cái ống mắt cáo. Chú Bào reo lên: - Các anh ơi, dính rồi. Chú Bào một đầu, còn đầu kia chú Tín lao vào hai con mồi. Hai con sói lửa đã bị nhốt, vậy mà vẫn hung dữ. Chúng lồng lên, những chiếc nanh nhọn chìa ra gầm gừ. Nhưng làm gì được, hùm thiêng sa lưới cũng phải bó tay huống nữa là lũ sói quèn. Hai con mồi bị giết chết. Cánh thợ săn đã có mặt. Nhưng quái lạ, chẳng thấy một con chó nào trong đàn chó săn chạy tới cả. Hay là chúng nó theo đàn sói sang bên kia làng Mít rồi? Thợ săn băn khoăn. Họ bắt đầu hú gọi chó. Ông Giáp cùng con trai chạy lên đỉnh dốc, hướng cồng về phía vùng rừng thuộc làng Mít giục mấy hồi gọi chó. Rồi ông lắng tai nghe xem có tiếng đàn chó sủa đằng ấy không? Không có, chỉ nghe thấy chốc chốc lại có tiếng sói lửa tru lên rền rĩ, chắc là những con sói lửa bị thương vì bị đàn chó cắn. Bên ấy, phía làng Mít núi tiếp núi chạy dài, trùng điệp xanh ngắt. Lũ khỉ, vượn, vẹc vẫn bình chuyền nhau trên các cành dẻ gai, trên những ngọn ràng ràng vượt hẳn lên tán rừng. Chốc chốc trên nền lá xanh của cây rừng, một đàn cu xanh hay gầm ghì gì đó lướt rất nhanh. Vài ba con chồn nác, chồn ghệ mình vàng, mõm đen như bôi nhọ đi từ cây này sang cây khác trên những chiếc cầu tự nhiên bắc bằng những sợi dây rừng sống lưu niên. Rừng núi bên ấy vẫn yên ắng, không có đàn chó săn nào đang săn đuổi cả. Ông Giáp rủ con trai quay lại eo núi. Ở đấy cánh thợ săn đang đợi họ. Đang đi bỗng thằng Dũng nắm áo bố kéo lại. Cậu vừa nghe một tiếng kêu ẳng, như tiếng chó bị cắn vào cổ. Ông Giáp dừng chân lắng nghe. Về phía giữa Hòn Cấm, nơi có cây lim bộng hình như có tiếng chó cắn nhau. Lạ thật, đàn chó nhà ông không bao giờ có chuyện cắn nhau trong lúc săn mồi! Ông cùng với con trai hối hả về chỗ căng lưới. Ông nói với cánh thợ săn: - Thu lưới lại! Hai chú gánh lưới, hai chú khiêng hai con sói lửa này về trước. Bố con tôi sẽ đi tìm đàn chó. Nghe như có tiếng chúng nó cắn nhau. Ông Giáp cùng con trai đi được mấy bước thì nghe tiếng con Báo Vàng sủa róng riết. Bố con ông chạy đến nơi thì thấy con Vện, con chó đàn can đảm của họ đang nằm nghiêng, duỗi thẳng chân, máu từ cuống họng trào ra. Cách đó không xa là một con sói lửa cái cũng nằm nghiêng, đã chết, cạnh nó là con Mực và con Đốm. Con Báo Vàng đang dí mõm vào gốc cây lim bộng rỗng ruột mà sủa. Ông Giáp xót xa bế con Vện hãy còn mềm nhũn đặt nó lên mô đất cao. Sau đó, ông kéo con Báo Vàng ra, nhìn vào hốc cây. Bên trong hai con sói lửa con đã bị chó săn cắn chết, còn con thứ ba đang co rúm lại trong thành hang, rên ư ử vì sợ. Con sói lửa con vừa mở mắt, rất xinh. Thì ra trong lúc săn, đàn chó của ông phát hiện ra ổ sói. Khi đàn sói bị xua sang rừng bên, hai con còn lại bị giết, đàn chó săn đã kéo đến đây. Chắc chắn con Vện sục vào hốc cây trước tiên. Và cắn chết hai con sói lửa con này trước lúc vật lộn với con sói lửa mẹ. Con sói lửa mẹ đi đi kiếm mồi về, nó rẽ đàn chó săn đang bỡ ngỡ ra, lao vào gốc cây, tổ ấm của nó. Tuy mới sinh lũ con được mười lăm, hai mươi ngày, thân hình gầy guộc, nhưng hàm răng sói thì vẫn sắc nhọn. Con sói mẹ đã cắn vào cuống họng con Vện, giết chết kẻ đã sát hại hai con nó. Còn nó thì lao ra bãi cỏ, kéo đàn chó theo để tránh nguy hiểm cho con sói lửa con còn lại, và không hiểu con Mực hay con Đốm đã cắn chết nó. Ông Giáp nâng con sói lửa con lên ngắm nghía. Trông nó chẳng khác gì một con chó nhà. Chỉ có cái mõm hơi to và bốn chân cao hơn, bàn chân dài hơn chó nhà. Ông bảo con trai: - Đem về nuôi thử. Biết đâu sau này nó chẳng thành con chó săn cừ. - Đúng đấy bố ạ. - Cậu con trai hăng hái ủng hộ. - Để con bế nó cho. Ông Giáp làm cái giỏ để xách con sói lửa con về. Con Báo Vàng đến bên con sói lửa mẹ đã chết, ngửi hít trên mình con vật đã giá lạnh. Đột nhiên nó ngồi trên hai chân sau, tru lên một hơi dài. Ông Giáp bỡ ngỡ nhìn con Báo Vàng, ông nói có vẻ bùi ngùi: - Hình như chúng nó quen nhau, biết nhau từ trước? Mà xem ra con Báo Vàng không ghét lũ sói lửa con. Có thể là con của nó cũng nên.
- Đấy, cái dạo nó cắn chết con sói lửa đực ấy. - Thằng Dũng nhắc lại. - Bố nhớ không? Hôm ấy con sói lửa cái vẫn lấp ló trong bụi. Con nom thấy nó chạy theo con Báo Vàng một đoạn. - Bố nhớ ra rồi. - Ông Giáp nói. - Đêm đêm có tiếng sói tru sau bờ vườn nhà ta có thể là con này đấy, con sói lửa cái ấy mà. Con sói lửa con được mang về nhà. Ông Giáp bảo con trai: - Từ nay cứ gọi nguyên tên rừng của nó là Sói Lửa! Thằng Dũng reo lên: - Hay đấy. Phần con nuôi nó. Ông Giáp thử đặt cái rọ có con sói lửa bên trong trước mõm con Báo Vàng xem sao. Con Báo Vàng không gầm gừ, mà cúi xuống ngửi hít vào nan rọ, rồi đứng dậy đi vòng quanh. Con chó Khoang trong đàn chó nhà ông Giáp cũng vừa đẻ một lứa được ba con. Lũ chó con cũng mới mở mắt nên hôm nay con Khoang không có mặt trong cuộc săn đuổi. Ông Giáp đem nhốt con Sói Lửa vào trong một cái nơm nhốt gà với một con chó con cho nó tắm làn hơi chó nhà để đánh lừa chó mẹ. Con Khoang chừng như thấy mất con, nó chạy bổ đi tìm. Nghe tiếng chó con kêu trong nơm, nó chạy tới, đi vòng quanh nơm. Ông Giáp nảy ra sáng kiến, bắt cả hai con kia nhốt vào luôn. Con Khoang chạy vòng quanh nơm, dùng mõm hất, lấy chân cào, cố lật cái nơm lên, nhưng không lật được. Nó đi quanh chán rồi nằm xuống bên cạnh nơm. Nằm chán lại đi vòng quanh tìm cách lật nơm giải phóng cho lũ con. Nhưng vẫn không lật được, nó lại nằm xuống. Lũ chó con đói sữa mỗi lúc một sủa da diết hơn. Bà Giáp đi ngang qua, thấy ông chồng và cậu con trai đang canh chừng cái nơm, bà bảo: - Ông con nhà này hết nghề rồi. Sao lại nhốt con nó vào nơm? - Để cho con sói con tắm hơi. - Ông Giáp bảo. Bà Giáp cho con Khoang ăn. Nhưng nó không thiết ăn uống. Nó ăn vài miếng lại ngẩng lên nghe lũ con đang kêu gào. Nó bỏ ăn, chạy đến bên cái nơm. Bà Giáp bảo chồng: - Tội nghiệp chưa! Thả con nó ra đi! Ông Giáp nói như nài nỉ: - Một lúc nữa thôi! Rồi nhà nó xem. Một lúc sau, ông Giáp bắt một con chó con ra, đặt vào bụng con Khoang đang nằm. Con chó con sục vào bú. Con Khoang liếm láp con một lúc, rồi mắt lim dim ngủ. Chắc nó đã mệt với cái nơm giam lũ con nó. Bấy giờ ông Giáp lại bắt con chó con thứ hai ra, lần này là con Sói Lửa. Hình như cậu chàng này đói quá, sục quá mạnh nên con Khoang choàng mở mắt. Nó bàng hoàng thấy một con chó lạ. Nó đứng phắt dậy, cúi nhìn con Sói Lửa, rồi nhe răng ra gừ gừ. Ông Giáp vuốt lưng nó, bảo nhẹ: - Khoang, nằm xuống! Con mày đấy! Con Khoang vẫn chưa chịu nằm, răng vẫn nhe ra, gầm gừ. Hai bố con ông Giáp rất lo. Bởi cái hàm răng ấy, bất thình lình táp cào cổ con Sói Lửa con này, thì con thú yếu ớt sẽ chết không kịp giãy. Còn con Sói Lửa và con chó con thì cứ chạy quanh bên chân con chó mẹ, chốc chốc lại chồm lên hai chân sau, óc ách đòi bú. Con Khoang thôi không nhe răng gầm gừ nữa. Ông Giáp thả nốt hai con chó con kia trong nơm ra. Bây giờ con Khoang trở về dáng hiền lành của con chó mẹ. Nó cúi xuống ngửi hít con chó lạ, đi nửa vòng theo thói quen trước khi nằm xống, duỗi bốn chân ra thoải mái cho con bú. Bà Giáp nhìn đàn chó vui vầy, rồi bảo: - Thần tình thật! Trong nhà ông Giáp có một con chó cái cũng khoang giống như con chó mẹ, rất đẹp; nền lông trắng khoang xám có có viền màu lông vàng nhạt, giống như những mảng mây màu chì đậm trên nền trời có ráng chiều hắt lên. Để con chó mẹ có sức nên khi lũ chó con đầy tháng tuổi, ông Giáp cho bớt đi hai con, chỉ giữ lại con Khoang con và con Sói Lửa. Sữa chó mẹ bây giờ chỉ dồn cho hai con chó con, thỉnh thoảng bà Giáp lại mua phổi bò, phổi lợn ở chợ về băm ra trộn cháo cho con Khoang con và con Sói Lửa ăn nên chúng lớn nhanh như thổi. Càng lớn hai con chó lại càng xinh, chúng vật nhau, đuổi nhau suốt ngày. Mỗi sáng hoặc ban chiều, lúc đi săn về, những con chó đàn cũng hay đùa nghịch với lũ chó con. Con Báo Vàng hay chơi với con Sói Lửa. Khi thì nó đuổi theo con Sói Lửa, vừa chạy nó vừa sủa như đuổi hoẵng, làm con chó con này chạy đến cuồng cả chân, ngã sấp, ngã ngửa trên các luống cày trong vườn. Cũng có khi con Báo Vàng chạy, cho con Sói Lửa đuổi. Đang chạy nó dừng phắt, quay đầu lại. Khi con Sói Lửa chạy đến nơi thì nó né sang một bên, quay ngang, chìa cái mõm rộng ra, ngoạm lấy cổ chú chó con, nâng bổng lên. Hai con lại đuổi nhau ra sân, con Báo Vàng vờ ngã xoài xuống sân, chổng bốn vó lên. Bấy giờ con Sói Lửa chồm hai chân trước lên, kẹp lấy cổ con Báo Vàng, rồi cắn vào hàm dưới nó. Con Báo Vàng kêu lên ăng ẳng, con Sói Lửa mới chịu nhả, rồi cắn lấy chân sau, ra sức kéo. Một hôm con Sói Lửa biến đi đâu không rõ. Chiều đến vẫn không thấy nó đâu, mà cả con Báo Vàng cũng đi đâu mất nốt. Ông Giáp hú gọi mãi mà không thấy tăm hơi hai con chó. Mãi đến bữa cơm chiều, cả nhà sửa soạn ăn cơm thì thấy con Báo Vàng càm một con gì từ xa chạy vào cổng. Nó càm con mồi chạy một lúc rồi lại đặt xuống nghỉ. Hai bố con ông Giáp chạy tới, thì ra con Báo Vàng càm con Sói Lửa tha về nhà. Sao lại thế này? Chả lẽ con Báo Vàng lại cắn chết con Sói Lửa rồi? Thấy người nhà, con Báo Vàng đặt con Sói Lửa xuống, miệng rên ư ử. Ông Giáp nâng con Sói Lửa lên. Mình nó mềm nhũn. Nó hãy còn sống, nhưng thở thoi thóp, yếu ớt, bọt mép sủi ra. Ông Giáp nói với con trai: - Ăn phải chuột đánh bả rồi! Con Báo Vàng giỏi lắm. Ông Giáp bế con Sói Lửa vào nhà. Ông hì hục làm thuốc. Không rõ ông pha chế những gì cho nó uống. Đang nằm thườn thượt, bỗng nó co dúm người lại, rồi nôn thốc nôn tháo. Nôn xong, nó lại nằm xoài. Ông Giáp cho một loại thuốc nước khác vào ống nứa, cạy mồm nó ra đổ vào. Nó lắc đầu yếu ớt rồi nuốt ực. Ông Giáp xoa tay bảo con: - Thế là nó sống rồi. Bây giờ ông mới để ý, cả đàn chó xúm lại xung quanh. Nhìn con Báo Vàng, ông Giáp hình dung lại sự việc. Thì ra hôm ấy cậu chàng Sói Lửa suốt ngày sục sạo trong ruộng lúa. Nó săn đuổi lũ chuột. Những con chuột khỏe mạnh nhanh chân chui tọt vào hang, còn các con bị đánh bả khật khừ, chậm chân bị nó tóm được. Cái tính khí chó rừng non bạ thứ mồi gì cũng ăn, trong khi thiếu kinh nghiệm của loài thú hoang nên đã làm hại nó. CON SÓI LỬA VỚI HAI CON LỢN VÀ EM BÉ NẰM VÕNG Một hôm con Sói Lửa bị một trận đòn đau. Nguyên là thế này. Trong chuồng lợn nhà ông Giáp, vợ ông vừa mua hai con lợn bột rất đẹp, mỗi con khoảng mười lăm cân thả vào. Bà vợ chăm bẵm đôi lợn lắm. Con Sói Lửa thường buộc ở cái ổ không xa chuồng lợn là mấy. Mỗi lần nghe tiếng lợn kêu đòi ăn, nó cứ dướn cổ lên nghe ngóng, có khi giằng căng cả dây tròng ra. Ông Giáp cứ tưởng nó tù chân, nên bảo con trai: - Con ra đóng cổng, cởi dây cho nó. Cậu con vâng lời, đóng cổng và cởi dây cho con Sói Lửa. Con Sói Lửa hớn hở nhảy cẫng lên, mừng rối rít. Rồi nó chạy đến bên chuồng lợn, hếch mõm lên phên chuồng, hai chân trước cào sàn sạt. Chuồng lợn vùng này thường dùng những cây trâm sừng thẳng, cỡ cây nứa nhỏ, cài thành phên, ráp lại. Ông Giáp nhìn ra, lấy làm lạ, bảo con: - Con Sói Lửa lại ngứa nghề sói lửa chắc! - Và ông Quát - Sói Lửa, chết đòn đấy! Con Sói Lửa quay lại nhìn bố con ông Giáp, rồi thôi không hếch mõm lên phên chuồng, đưa hai chân trước cào bới nữa. Nó đi quanh nửa vòng như chó nhà rồi nằm xuống cạnh cửa chuồng lợn. Ông Giáp lại bảo: - À, nó canh chừng chuồng lợn đấy. Thế mà lại hóa hay. Con Sói Lửa vẫn nằm đấy, mõm gác lên hai chân trước, mắt lim dim ra chiều ngoan ngoãn lắm, trong khi hai con lợn trong chuồng xán vào nhau, rút vào tận góc phía trong. Bố con ông Giáp yên chí, không để ý đến chuyện này nữa. Nhưng khi ông đang ngồi chuốt cán mác dưới gốc bưởi, cậu con trai đang học bài thì nghe tiếng lợn kêu choéc lên, kéo dài như bị chọc tiết. Một con lợn phóng qua cửa chuồng chạy thục mạng ra vườn, kéo theo đàn chó săn. Bà Giáp kêu lên hốt hoảng: - Nhà nó ơi, xem con Sói Lửa cắn chết con lợn rồi đây này! Rõ nuôi ong tay áo chưa? Ông Giáp quát đàn chó: - Vàng, Mực, Khoang, Đốm, vào nhà! - Vừa chạy về phía chuồng lợn, ông vừa quát - Sói Lửa, mày chết! Ông Giáp cầm lấy thanh tre bằng ngón tay, nhảy vào chuồng lợn, trong khi con Sói Lửa đang cưỡi lên lưng con lợn, vừa cắn vào gáy, vừa day. Ông Giáp chộp lấy gáy con chó, xách ngược lên, quật vào mấy cái chân đang quờ quạng định cào cấu, vừa quất, ông vừa giảng giải: - Chừa này! Chừa vồ lợn nhà này! - Ông dí mõm con Sói Lửa vào gần con lợn đang dúm ró lại, lùi vào sát góc chuồng, quật cho nó một trận. - Chừa này, chừa cắn lợn nhà này!
Con Sói Lửa kêu ăng ẳng nhưng chịu phép, không chống cự lại. Nó cụp đuôi, cụp tai, cúi đầu rên rỉ. Ông Giáp giận lắm, lẳng nó ra khỏi chuồng lợn. Ông buộc con lợn trong chuồng lại, mở hé nan chuồng ra để lùa con lợn sổng vào. Bây giờ đàn chó đã vào cả trong nhà, không đuổi theo con lợn nữa. Thấy ông chủ, con Sói Lửa cứ cúi đầu linh lỉnh không dám nhìn. Ông Giáp nguôi giận, nói và chỉ về phía con lợn xổng: - Đấy, có giỏi thì lùa con lợn kia về. Hai bố con ông ra vườn đuổi lợn. Con Sói Lửa hình như quên trận đòn quá nhanh, nó lao theo con lợn. Ông Giáp gọi mấy nó cũng không quay lại. Đàn chó trong nhà cứ nhấp nhổm định lao ra theo. Ông Giáp quay lại vừa quát vừa giơ roi lên dọa đàn chó: - Nằm yên kẻo no đòn! Chỉ riêng con Sói Lửa, nó đuổi kịp con lợn. Bỗng con lợn kêu éc lên. Bà Giáp lại hốt hoảng, bảo: - Kìa, nó lại cắn chết con này bây giờ. Nhưng lợn và chó đi chậm lại. Con lợn không kêu eng éc nữa mà ủn ỉn, ngoan ngoãn đi theo con chó về phía chuồng lợn. Bố con ông Giáp chạy tới. Ông Giáp nắm lấy chân sau con lợn, ủn nó vào chuồng. Thì ra, hệt như một con sói rừng, con Sói Lửa cắn lấy vành tai con lợn mà dắt, bây giờ nó mới nhả ra. Ông Giáp bật cười, khen: - Giỏi lắm! Rõ ràng là giống sói lẫn với giống chó săn. Bà Giáp đã hết lo, cũng cười bảo: - Nó là con quỷ chứ không phải là con chó. Thả con lợn vào chuồng rồi, ông Giáp gọi con Sói Lửa lại, vuốt ve nó. Ông cảm thấy thương nó vì vừa bị trận đòn đau. Có lẽ lúc đầu nó ngỡ lợn trong chuồng là lợn rừng. Sau cái lần con Sói Lửa nhảy vào chuồng lợn, thằng Dũng cảm thấy đấy là con chó rất khôn. Hàng ngày sau giờ học cậu dẫn con Khoang con và con Sói Lửa ra sau vườn. Cậu lấy giẻ rách cuốn thành hình con cầy, dứ dứ vào mõm hai con chó, dí lên đầu bắt chúng nằm xuống, rồi đem con cầy giẻ rách giấu kín vào bờ vườn. Giấu xong cậu quay lại, hai tay nắm gáy hai con, ấn xuống, kéo cho chúng bò sát cỏ đến chỗ giấu con cầy giẻ. Gần đến nơi, cách một tầm nhảy, cậu xách bổng cả hai con lên như chúng đang nhảy, cho chồm lên, vồ lấy con cầy giả. Cậu làm lại lần nữa y như thế. Lần này con Sói Lửa hiểu trò chơi của Dũng, nó cứ rón rén bò lên, không để Dũng phải kéo như lúc nãy. Còn con Khoang con chậm hiểu hơn, Dũng còn phải cầm lấy gáy nó, kéo nó đi lên. Sau một vài lần tập như thế, chỉ cần Dũng đụng vào gáy con Sói Lửa, chỉ tay vào một bụi rậm nào đó có con cun cút hay con chuột đang rúc rích trong cỏ, con Sói Lửa liền nằm sát xuống, nhẹ nhàng bò lên. Rồi thu mình lao vọt lên vồ lấy con mồi. Con Sói Lửa còn tiến xa hơn điều thằng Dũng muốn. Tự nó phát hiện ra con mồi, rón rén bò tới và không cần Dũng ra hiệu. Đã có lần nó ra ngọn đồi phía sau xóm rình vồ được cả gà gô mang về. Thằng Dũng tập cho con Sói Lửa biết bơi ra sông tha những bắp ngô còn nguyên mang mà Dũng ném ra, vào bãi. Cậu còn tập cho con chó cả cách canh cho bò ăn kẹ trên bờ ruộng hoặc giữa các luống ngô. Con Sói Lửa đi kèm con bò, hễ thấy bò thò mõm, thè lưỡi ra định vơ lấy cây ngô hoặc dây khoai là là nó nhảy xổ ra, nhe răng gầm gừ. Nó biết cả cách quành bò, dồn bò về chuồng. Nếu có người lạ đến nhà, nó không sủa ầm ỹ như chó đàn mà ra nằm ngay ở cổng, canh chừng. Vườn nhà ông Giáp trồng rất nhiều cây dâu, loại lá cho tằm ăn, cây cao to, đến mức muốn hái lá phải bắc thang hoặc dùng néo dài vin cành xuống mà lái. Một lần có hai chị đến mua dâu cho tằm. Hai chị xách sọt ra vườn, đưa néo lên vin cành hái dâu. Dũng đang ngồi học bên bàn, thấy con Sói Lửa cứ gườm gườm nhìn hai chị hái dâu, cậu buột miệng nói đùa: - Sói Lửa. Người ta hái hết dâu kìa, vồ đi! Chắc nó chẳng hiểu gì những lời cậu nói, nó chỉ nhìn theo tay chỉ. Rồi nó nằm xuống sân, bò dần lên như một con báo sắp vồ mồi, mỗi lúc một nhanh. Đến nơi, bất thình lình nó chồm lên, ôm lấy chân một chị. Thằng Dũng hốt quá, hét lên: - Sói Lửa, vào! Con Sói Lửa buông chân chị hái dâu ra, cúi đầu chạy vào nhà. Còn hai chị hái dâu thì sợ chết khiếp. Mẹ Dũng từ bếp chạy ra, bảo: - Đừng sợ, nó không cắn đâu. - Rồi lên nhà trên, bà đe con trai - Lại mày xui nó phải không? Con với cái, liệu hồn! Bà Giáp bắt đầu tin rằng con Sói Lửa có thể rèn tập bảo ban được. Thế nhưng lại có chuyện rắc rối khác xảy ra. Dạo ấy vào dịp thu hoạch vụ chiêm. Cô em ông Giáp lấy chồng xa, đem theo cả con nhỏ đến chơi nhà anh chị. Em bé đó bốn tuổi, kháu lắm. Hàng ngày, cô theo thợ gặt đi gặt lúa hoặc cùng người nhà đi bẻ ngô, để em bé ở nhà cho thằng Dũng trông nom. Khi thì Dũng dẫn nó, lúc thì tự nó ra sân, ra vườn hái hoa, bắt chuồn chuồn. Trưa đến cơm nước xong Dũng đặt nó lên chiếc võng mắc cao giữa hai cây bưởi, dùng que cài hai mép võng lại cho em khỏi ngã rồi đung đưa võng cho nó. Cứ thế nó ngủ đến chiều. Mỗi lần cậu và em ra chơi ở sân, con Sói Lửa cứ xốn xang lên, muốn giằng ra khỏi dây buộc. Thỉnh thoảng nó lại thè lè lưỡi ra, liếm liếm hai bên mép đầy lông đen. Dũng cởi dây tròng cổ, thả con Sói Lửa ra. Thấy thế, mẹ Dũng kêu toáng lên: - Buộc lại! Nó mà cắn em mày thì mày chết đòn. Nó không như chó nhà đâu. Thằng Dũng nói để mẹ yên tâm: - Con trông mà, mẹ. Không sao đâu mẹ ạ. Được thả ra, con Sói Lửa chạy vùng ra sân, xộc đến với em bé. Thấy con chó chạy đến, em bé đưa tay ra định xoa đầu nó. Nhưng nó dừng lại, đuôi ve vẩy khe khẽ, hơi lưỡng lự, rồi đưa mắt nhìn Dũng với ánh mắt vẻ gian gian. Dũng nhặt một chiếc que nhỏ làm roi, giơ lên đe nó: - Cắn em tao thì tao đánh chết, nghe chưa. Hai anh em thằng Dũng lại ra vườn, con Sói Lửa kè kè chạy theo sau em bé, không thèm chơi với con Khoang con. Con Khoang con "rủ rê" mãi bằng cách xán vào, cắn nhẹ vào tai nó kéo đi, nhưng nó cũng không thèm. Mỗi lần em bé vướng ngã, nó chạy bổ tới, cuống quýt, dí mõm vào em bé, ngửi hít, đưa lưỡi ra liếm em bé, làm em bé sợ hãi khóc thét lên. Mẹ Dũng từ trong bếp quát hỏi: - Con chó cắn em phải không, Dũng? Mẹ đã bảo mà! - Không phải đâu. Em ngã đấy mẹ ạ. Hai anh em lại tiếp tục chơi với nhau. Cơm nước xong. Dũng cho em nằm lên võng. Vì chạy nhảy đã mệt, lại vừa ăn no, dưới bóng cây mát, em bé ngủ ngay. Dũng vào nhà sửa soạn đi học. Mẹ Dũng hỏi: - Con đã buộc con Sói Lửa lại chưa? - Con buộc ngay đây. Một lúc sau mẹ Dũng ra cho lợn ăn. Bỗng bà kêu lên: - Chó! - Mẹ vừa chạy đến bên cái võng vừa gọi: - Dũng... Dũng ơi, mày ra mà xem con chó. Đến phải thịt đi thôi. Dũng chạy ra: - Gì thế hả mẹ? Con chó làm sao ạ? Bấy giờ con Sói Lửa đã lùi ra xa, ngồi xổm trên hai chân sau, nhìn bà Giáp với vẻ vừa sợ sệt, vừa lạ lẫm. Vừa lúc ông Giáp thăm đồng về, ông vội hỏi: - Có chuyện gì thế? - Chuyện con chó của ông con nhà ông chứ còn chuyện gì nữa. - Bà Giáp bảo thế - Tôi không ra kịp, không khéo nó ăn thịt mất thằng bé. Ông không tống khứ nó đi thì rước họa vào thân cho mà xem. - Nhưng mà con chó là sao cơ chứ? - Ông Giáp hỏi. Bà vợ thuật lại câu chuyện. Bà ra cho lợn ăn, nghe thấy tiếng con Sói Lửa rên ư ử ở gốc bưởi. Bà quay nhìn thì thấy nó đang chồm hai chân lên võng. Trông mắt nó vừa gian gian vừa man rợ. Ông Giáp có vẻ nghi hoặc. Ông nói: - Không có lẽ. Để rồi xem. Hay là mình nhìn nhầm? Lúc nào nhà cũng sợ nó phản chủ nên nhìn ra thế. - Lại còn thế nữa. - Bà vợ không tranh cãi, chỉ nói thế. Câu chuyện con Sói Lửa với em bé con cô em ông Giáp dần dần rồi cũng thành chuyện bình thường. Hai anh em Dũng vẫn cùng chơi với hai con chó.
Thậm chí có khi một mình em bé chập chững ra vườn chè cùng với con Sói Lửa. Dũng để ý thấy con Sói Lửa có vẻ "dốc lòng" vì bé lắm. Hễ bé chỉ cái gì mà làm được là nó làm ngay: đuổi theo con chuồn chuồn, đuổi con nhái bén, có khi bé còn đè lên lưng nó bắt nó nằm xuống. Dũng kể cho mẹ nghe những điều nó nhìn thấy. Mẹ Dũng bảo: - Chắc là đe nhiều nó cũng biết sợ. Nhưng coi chừng, thú rừng không mấy con nuôi thuần đâu con ạ. Khi đủ lông đủ cánh rồi nó phản đấy. Chả thế mà người ta bảo "Nuôi cò, cò mổ mắt". "Nuôi hùm để lo" à? Nghe mẹ nói cũng có lý, Dũng lại hoang mang. NỖI OAN CỦA CON SÓI LỬA Một hôm xảy ra một chuyện làm cả hai bố con ông Giáp rụng rời chân tay. Riêng Dũng thì lo lắng và bồn chồn như ngồi trên đống lửa. Nguyên là câu chuyện con Sói Lửa, với em bé con cô Dũng bên chiếc võng không hiểu do đâu mà cả xóm, có lẽ gần như cả làng đều biết. Người ta kể rằng con Sói Lửa đã có lần chồm lên, kề hàm răng sói vào cổ em bé con cô của Dũng, may nhờ thằng Dũng chạy tới kịp, đuổi nó ra; lần khác nó lại chồm lên em bé đang ngủ nằm trên võng, may mà cái võng gai đan dày. Dũng lại buộc chặt hai mép võng lại với nhau, và vừa lúc mẹ Dũng trông thấy. Chuyện kể ra thì nghe không xa nhau mấy, nhưng sự thực thì một trời một vực. Người ta còn nói rằng, loài sói lửa rất thích ăn thịt trẻ con. Có người nhìn con Sói Lửa như nhìn một con sói hoang dã thật sự. Họ nhắc nhau, ai có trẻ con thì phải trông chừng cẩn thận. Ông Giáp rất phân vân không biết nên thả nó vào rừng với sói đàn hay bán đi, thì, cho đến một hôm... Hôm ấy thằng Dũng lên đồi thì gặp hai anh em thằng Long xách giỏ ra đồi sim, Dũng nói với Long: - Mày cho thằng Lân đi theo làm gì? Khéo nó lạc đường đấy. Thằng Long bảo Dũng: - Nó đòi đi theo. Lạc thế nào được, nhà kia thôi! Bọn trẻ cùng nhau vui vẻ lên đồi sim. Hai con chó của Dũng đua nhau sục sạo săn gà gô. Còn Dũng với thằng Long vừa hái sim, vừa trò chuyện trên trời dưới biển, quên cả thằng Lân và hai con chó. Vùng đồi này gần xóm, ban ngày chẳng có hổ báo, chó sói nào dám bén mảng nên chẳng có gì đáng sợ. Trên đỉnh đồi sim có một đám đất bằng, cây cối rậm rạp, có những cây săng mả, cành đâm ngang rợp lá. Buổi trưa hè, bọn trẻ vẫn hay leo lên đấy nằm dưới bóng cây ngủ trưa. Thằng Dũng hái sim giúp thằng Long một lúc rồi ra về. Còn thằng Long vẫn tiếp tục hái. Mấy hôm nay nó vẫn hái sim cho mẹ nó ra chợ bán. Thằng Dũng về nhà được một lúc thì thằng Long hớt hải chạy đến, hỏi từ ngoài cổng: - Dũng ơi, thằng Lân tao có theo mày về không? - Không, - Dũng hơi hốt hoảng hỏi. - Mà sao? - Nó lạc đi đâu tao gọi tìm mãi chả thấy. - Thằng Long chạy vào sân, nói hổn hển -Tao tưởng nó theo mày về. Nó nhìn quanh thấy mấy cái cũi đang nhốt chó, rồi hỏi - Con Sói Lửa của mày đâu? Lúc sáng mày dắt nó theo vào đồi sim phải không? - Tao không dắt. - Nghe thằng Long hỏi thế, Dũng ta đã thấy có chuyện chẳng lành, cậu bảo. - Nhưng nó có theo tao vào đồi sim. Mày cũng nghe nó săn gà gô đấy thôi. Mà sao cơ? - Tao sợ con Sói Lửa nhà mày tha mất em tao - Thằng Long nói câu này nghe như khóc - Người ta bảo chó sói hay ăn thịt trẻ con lắm. Thằng Dũng hốt hoảng thật sự. Cậu cảm thấy lạnh đến tận sống lưng, nói như để trấn an cho mình: - Bậy nào! Chắc thằng Lân mày bị lạc đâu đấy thôi. Nếu bị con Sói Lửa tha đi thì nó phải kêu khóc ầm ỹ lên chứ. - Ừ. ừ... cũng có lý. Nhưng giả dụ em tao bị lạc, đi xa, tao không thể nghe tiếng nó khóc thì sao? Mày đi tìm nó với tao đi. Dĩ nhiên Dũng không bao giờ từ chối, nhưng thằng Long nói như thế có nghĩa là khăng khăng buộc tội cho con Sói Lửa và cả cho cậu nữa. - Đi, tao sẽ giúp mày tìm thằng Lân. Hai đứa đang sửa soạn đi thì ông Giáp về. Thấy vẻ mặt hốt hoảng của hai đứa, ông hỏi: - Chúng mày có chuyện gì thế? Thằng Long kể lại câu chuyện. Lúc đầu vẻ mặt ông Giáp thoáng có chút băn khoăn. Nhưng rồi ông quả quyết: - Không thể có chuyện con Sói Lửa tha thằng Lân đi. Thằng bé mải đuổi chuồn chuồn, bắt bươm bướm đâu đấy thôi. Cũng có thể chạy nhảy mệt, trên đồi lại mát mẻ, cậu chàng ngủ quên dưới một gốc cây nào đấy thôi. Bỗng mẹ thằng Long chạy đến. Bà ấy vừa mếu máo, vừa nói: - Con sói nhà bác tha mất thằng bé nhà tôi rồi. Trời ơi là trời! Ông Giáp an ủi: - Đừng nói chuyện gở ấy. Nhưng sao thím lại nghĩ thế? Mẹ thằng Long vẫn mếu máo: - Bọn trẻ nom thấy. Chúng nó bảo thấy con sói nhà bác chạy theo sau thằng Lân nhà tôi. Ông Giáp có vẻ yên lòng, nói hài hước: - Như vậy là thằng Lân nhà thím tha con Sói Lửa đi chứ! Nó chạy theo thằng bé kia mà? Nhưng mà thôi, ta ra đồi tìm cháu về đi, trưa rồi. Thím về lấy hộ tôi cái áo, cái quần gì đó của cháu cũng được mà nó mới thay ra sáng nay. Tôi sẽ đến ngay. Ông Giáp mở cũi chó, dắt theo con Báo Vàng đến nhà bà Long. Ông Long cùng tốp ăn nâu đi rừng từ sáng sớm, nhà chỉ còn ba mẹ con nên bà ấy càng hoảng hốt. Bà đưa cho ông Giáp cái áo của thằng Lân mới thay ra chưa giặt. Ông Giáp dí mũi con Báo Vàng vào cái áo thằng bé, rồi bảo: - Tìm thằng Lân về. Hơi nó đây, nhận cho kỹ. Con chó ngửi rất lâu cái áo thằng bé rồi ngước nhìn chủ như dò hỏi. Ông Giáp chỉ ra đồi sim. Nó sủa mấy tiếng nho nhỏ rồi lon ton chạy đi, kéo căng sợi dây tròng cổ. Mấy người chạy theo con Báo Vàng ra đồi. Mẹ con bà Long vừa chạy vừa khóc thút thít. Thỉnh thoảng bà ấy lại chì chiết thằng Long: - Tao đã bảo không được cho em ra bờ bụi mà. Sói nó không tha mày đi cho rảnh mà lại tha thằng Lân. Con ơi là con ơi! Con Báo Vàng đưa mấy người lần theo các vạt sim chín. Con chó thì rà mũi sát đất, còn mấy người thì hú gọi thằng Lân. Chẳng thấy tăm hơi nó đâu cả. Con Báo Vàng lại dẫn tốp người chui vào truông rậm, nó vừa sục sạo, vừa sủa khe khẽ. Còn bà Long thì gọi con: - Lân ơi! Ơi Lân! Thằng bé chui rúc đã ghê. Gọi thế mà chả thấy tiếng nó trả lời. Bà Long khóc nức nở, còn bố con ông Giáp ruột bắt đầu nóng như lửa đốt. Nếu tìm ở trong lùm cây nữa mà không thấy thằng Lân thì thật lôi thôi. Con Báo Vàng vẫn kéo căng sợi dây buộc dẫn tốp người sục sạo khắp đồi sim đi dần về phía mấy cây săng mả giữa cái lùm rậm trên đỉnh đồi. Bà Long chui vào bãi cỏ rộng bằng ba bốn cái sân. Bỗng bà hốt hoảng kêu lên: - Trời đất ơi! Con tôi bị con Sói Lửa cắn chết rồi. Bố con ông Giáp hồn vía lên mây, đứng sững lại, nhìn vào gốc cây săng mả. Con Báo Vàng vừa cào chân vừa sủa vui vẻ, nhìn ông chủ như có ý hỏi "Đúng chưa, đúng chưa?". Còn kia, dưới bóng cây, thằng Lân con bà Long nằm hơi nghiêng, đầu ngoẹo vào phía gốc cây, một chân co, một chân duỗi. Cạnh nó, một bên là con Sói Lửa nằm, lưỡi thè lè ra thở, chốc chốc lại liếm mép; còn bên kia là con Khoang con. Bà Long chạy bổ đến với con. Con Sói Lửa bật dậy, xồ ra. Nó cất tiếng sủa vang làm bà mẹ phải chùn bước. Tiếng con Sói Lửa sủa quá mạnh làm cho đàng kia thằng Lân giật mình. Nó ngồi nhỏm dậy, đưa tay lên dụi mắt, cất tiếng gọi mếu máo: - Anh "Nhong" ơi, anh "Nhong" ơi...!
Con Sói Lửa quay vào ve vẩy đuôi rồi ngồi xuống cạnh thằng Lân, quay đầu ra, nhe răng gừ gừ bà Long đang muốn đến gần. Mấy người hết sức ngỡ ngàng. Ông Giáp lên tiếng: - Có oan cho nó không? Thì ra nó canh cho thằng bé ngủ. Thằng anh thì vứt em mà về. Còn đổ oan cho con chó. Bố con ông Giáp và mẹ con bà Long tới gần. Con Sói Lửa chạy đến với chủ. Nó vẫy đuôi mừng rỡ. Bà Long nhào vào bế lấy bé Lân. Bà nói trong nước mắt sung sướng đang tuôn xuống má: - Có thật không? Có thật con Sói Lửa canh cho con tôi ngủ không? - Rồi quay sang ông Giáp, bà hỏi - nhưng sao nó lại chồm vào tôi? Ông Giáp cười, giảng giải: - Thì thím đâu phải là chủ nó. Mà làm sao nó biết được thím là mẹ thằng Lân. Ngộ nhỡ thím là bà ba bị đến ăn cắp thằng bé đi thì sao? - Trời ơi! - Bà Long kêu lên - Lại thế nữa. Thật là chó vàng, chó ngọc. Bác bảo một tiếng, cho tôi cám ơn nó một lời. Ông Giáp bảo con Sói Lửa khi nó đang nhìn bà Long bế thằng Lân, cổ họng gừ gừ: - Sói Lửa, ngoan nào! - Ông chỉ sang bà Long, tiếp - Mẹ thằng bé đấy, lại đây! Thật kỳ lạ, như thể hiểu được tiếng người, những dãy lông xù trên gáy con Sói Lửa xẹp xuống. Nó không gừ gừ trong cuống họng nữa, mà vẫy vẫy đuôi, rồi chạy đến bên bà Long. Nó ngửi ngửi lên hai chân trần của thằng Lân, rồi ngửi lên người bà Long. Con chó Khoang cũng chạy tới. Bà Long quên cả sợ hãi, dang rộng hai tay ôm cả nó và con Khoang vào lòng. Chuyện thằng Lân bị lạc, con Sói Lửa canh cho nó ngủ được bà Long kể khắp nơi. Lần nào kể xong câu chuyện bà cũng nói: - Nó khôn như người ấy. Nó ngỡ tôi không phải là mẹ thằng bé, nó còn đuổi đi cơ đấy. Có khi nó là người hóa kiếp cũng nên. Từ hôm ấy cả nhà bà Long rất quý con Sói Lửa. Thỉnh thoảng mua được ở chợ xâu thịt rừng hoặc ít cá tươi, thế nào bà cũng sai thằng Long mang cho nó hoặc gọi nó đến ăn. * * * Con Báo Vàng giờ đã là con chó đầu đàn chững chạc rồi, thành thử những trò săn đuổi lặt vặt không còn mấy hứng thú với nó nữa. Nhưng với con Sói Lửa thì lại khác, nếu như không bị tròng cổ hoặc nhốt lại thì nó sục sạo khắp vườn. Có khi một mình nó vào đồi sim, vào truông rậm săn đuổi gà gô, gà rừng, dúi, sóc. Một lần con Sói Lửa một mình biến đi đâu suốt ngày, chiều đến chủ gọi cho nó ăn cũng chả thấy tăm hơi. Ông Giáp băn khoăn một lúc, rồi nói với con: - Hay là nó theo tốp săn nai rồi! Chả là lúc gần trưa, tốp thợ săn làng Mít săn một con nai ra làng này. Con nai băng qua truông, rồi ra sông kéo theo những con chó đàn trong làng. Thằng Dũng cũng cho con Sói Lửa theo hơi con nai, nhưng con nai và tốp thợ săn đã qua sông, chạy đi xa rồi. Thằng Dũng thả con Sói Lửa ra xem sao. Nó rà mũi sát các lốt chân của con nai để lại trên đường, chạy về phía sông. Dũng đang gọi nó quay lại thì nghe tiếng mẹ gọi rất gấp. Chắc là có việc gì cần. Cậu vội chạy về, mặc cho con Sói Lửa cứ bám lốt con nai mà sủa. Từ giờ phút ấy Dũng quên bẵng con Sói Lửa. Đến lúc bố nhắc tới, cậu mới nhớ ra. Mặt trời lặn thì con Sói Lửa về, và lạ thật, mõm nó lại cắn chặt một sợi dây xâu một xâu thịt như phần của một người nào có dự vào cuộc săn bắn. Chẳng cần phải gọi, nó chạy thẳng đến chỗ ông chủ. Ông Giáp cầm lấy xâu thịt xem kỹ. Thì ra là thịt nai. Ông vừa ngạc nhiên vừa nghi hoặc. Chả lẽ con Sói Lửa lại ăn cắp một xâu thịt, mang về cho chủ? Việc chó săn thường ra chợ hoặc lân la bên chỗ người ta mổ lợn, mổ bò hoặc hươu, nai để rình ăn cắp thịt mang về cho chủ không phải là chuyện hiếm. Thậm chí có con chó còn ra chợ tha cả thịt, cá về nhà nữa. Có người không lấy chuyện săn bắt thú hoang dã làm vui mà lại lấy trò tập luyện chó ăn cắp vặt làm hứng thú. Đàn chó của ông Giáp không thế. Ông đã luyện cho chúng không được lảng vảng quanh chỗ làm cá, làm thịt, làm cỗ làm bàn. Ngay cả đến bữa ăn cũng không có con chó nào dám xán đến quanh mâm. Không phải chỉ với chó, ngay cả với con cái, ông Giáp cũng từng khuyên bảo: - Con người cũng thế, phải có ăn mới sống. Nhưng cũng không hiếm kẻ vì miếng ăn mà chết. Phải biết coi thường miếng ăn khi không phải tự mình làm ra "Miếng ăn là miếng nhục". Cả nhà ông Giáp đều sống theo cách sống ấy. Vì thế thấy con Sói Lửa mang xâu thịt về, thằng Dũng và bà mẹ rất ngạc nhiên. Hai mẹ con nhìn ông bố, xem ông xử sự thế nào. Ông cầm lấy xâu thịt, đắn đo một lúc. Ông rút cái roi mây dắt trên ống roi, gọi con Sói Lửa lại, nắm lấy gáy nó, chỉ ngọn roi vào xâu thịt, rồi quật ba roi vào mông nó, bảo: - Chừa này, chừa ăn cắp này! Và ông vứt cả xâu thịt nai vào hũ nước gạo, rồi tròng cổ con Sói Lửa lại. Con Sói Lửa nằm vào ổ rơm, mõm gác lên chân trước vẻ buồn bã hiện lên trên ánh mắt. Khi nhà ông Giáp lên đèn thì nghe tiếng mấy con chó sủa râm ran. Có khách lạ. Ông Giáp dỡ cửa bước ra và khẽ quát mấy con chó. Riêng con Sói Lửa không sủa mà lại vẫy đuôi. Khách nào lại quen nó? Người khách đã vào sân. Ông ta trạc tuổi ông Giáp, một tay cầm mác ngắn, tay kia xách một xâu thịt nai. Thì ra bác chủ bạn săn dạo nào. Ông Giáp đón bạn giữa sân, kêu lên: - Ôi, lâu ngày quá. Mà gì thế này? - Vào nhà hẵng! - Bác chủ bạn săn nọ nói - Anh thật có số làm chủ. Tiếc rằng chỗ heo hút này nên anh không thể làm vua được mà thôi. Ông Giáp cười hồ hởi, mời khách vào nhà. Bác chủ bạn săn nọ mới kể rõ đầu đuôi câu chuyện khi đến đây với xâu thịt nai. Con Sói Lửa theo hơi con nai, bơi qua sông, băng qua vùng Rẫy Bạn đến chỗ đàn chó săn của bác bị mất hơi con mồi. Đúng lúc đàn chó săn nhà bác đang ngơ ngác chạy dọc theo hai bên bờ con suối rộng, sủa liên hồi kỳ trận, thì chúng bỗng nháo nhác cả lên. Một vài người trong tốp thợ săn cũng ngạc nhiên thấy một con sói lửa từ đâu lao đến. Có người định phóng mác vào nó thì bác chủ bạn săn kêu lên: - Con chó, con Sói Lửa của ông Giáp bạn tôi! Đúng là con Sói Lửa của ông Giáp. Nó lao sầm xuống suối, bơi theo dòng nước chảy. Thì ra con nai đã bơi xuôi theo dòng suối, vì thế những con chó không thật thính hơi nước đành chịu. Bởi vì dòng nước đã đưa mùi con nai về xuôi. Riêng con Sói Lửa, vốn dòng dõi chó rừng, những mánh khóe này của con mồi không thể lọt qua cái mũi thính hơi của nó được. Con Sói Lửa cứ mải bơi mà không sủa. Người ta nhìn theo cho đến khi bóng nó mất hút ở khúc suối ngoặt. Một lúc sau nghe nó sủa lên ba tiếng cùng lúc giữa vực sâu dựng lên một bóng đen như một con trâu nước với tiếng con nai kêu lên è è. Người ta chạy đến thì con nai đã vùng chạy, sau đó là con Sói Lửa. Thì ra con nai đã ngâm mình dưới vực khe, chỉ chừa lỗ mũi nổi lên trên mặt nước để thở. Con Sói Lửa bơi tới gần mà con nai không biết. Mãi khi nó đến sát, con nai mới vùng lên và bị nó táp một miếng vào cuống họng. Con nai vọt lên bờ, mang con Sói Lửa đi một đoạn. Vì con nai vẫn còn cả sức, mà miếng cắn của con Sói Lửa ở dưới nước không đủ mạnh, nên nó bứt ra được. Nhưng từ đó cho về chiều con nai chạy mỗi lúc một đuối sức và để lại những vệt máu trên đường chạy. Khi con nai bị hạ, con Sói Lửa chạy theo tốp thợ săn khiêng nai, về tận nhà ông chủ bạn săn. Nó ngồi từ xa theo dõi các thợ săn làm thịt nai. Có người thử cầm que đuổi nó. Nó chạy đi một đoạn rồi quành lại chỗ cũ. Người ta xả thịt con nai, theo công lao của từng người mà chia phần. Theo tục lệ thì ai đâm con nai mác đầu tiên người ấy được hưởng cái nọng, tức là một đoạn cổ nai đúng ba đốt xương sống. Người ta bàn đi cãi lại mãi xem ai là người có công đầu, cuối cùng người ta thưởng cái nọng cho con Sói Lửa. Bác chủ bạn săn đã có ý định sẽ đưa phần này đến cho nhà ông Giáp, nhân thăm ông một thể. Nhưng con Sói Lửa vẫn ngồi ngoài cửa, và bây giờ nó lại sủa. Nó cứ sủa mãi, cuối cùng bác chủ bạn săn bảo: - Nó đòi phần đấy. Thử đem cho nó một xâu thịt xem sao? Người ta xâu một xâu thịt ném cho nó. Nó càm lấy và chạy thẳng.